TS. Phan Quốc Việt và học trò Tạ Duy Anh
Hai tiến sĩ họ Phan song kiếm hợp bích giải quyết việc khó
Vào đầu tháng 1/2018, Hội thảo khoa học “Y học tái tạo và phục hồi - Chữa bệnh bằng Tâm dược tự nhiên, tế bào gốc & thiền rung lắc” được tổ chức tại Trường Đại học Thành Đô. Hai báo cáo viên chính của hội thảo này là TS Phan Quốc Việt và PGS.TS Phan Toàn Thắng.
Tâm Việt Group nổi tiếng với việc dạy kỹ năng sống gần hai chục năm trở lại đây. Người sáng lập và làm chủ Tâm Việt Group là TS Phan Quốc Việt. Ông sinh năm 1954 tại Nghệ An, học tại Trường Đại học Tổng hợp Moskva, có bằng tiến sĩ Toán - Lý. Trong những năm gần đây, Tâm Việt Group có nhận và trị liệu cho một số trẻ tự kỷ. Kết quả tương đối khả quan, trẻ phục hồi được những chức năng giao tiếp, nhận thức, vận động.
Tuy đã đạt được một số kết quả tốt trong trị liệu nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ phương pháp trị liệu của ông Việt vì ông là TS Toán - Lý chứ không phải TS Tâm lý hay Y học. Ông Việt chỉ giải thích đơn giản: “Dù có phương pháp khoa học nào cũng cần thực chứng. Tôi không chữa bệnh, tôi chỉ rèn luyện kỹ năng sống cho các con. Nếu rèn kỹ năng sống mà kết quả với trẻ tự kỷ tuổi dậy thì mà mang lại kết quả hơn hẳn các phương pháp hiện hữu trên thế giới thì áp dụng thôi. Tất cả là vì sự tiến bộ của các con. Hỏi phụ huynh là rõ nhất”.
PGS.TS Phan Toàn Thắng sinh năm 1968, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1991, hiện đang là giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore. Ông có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc, có ứng dụng đi vào đời sống tại nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Việt Nam. Ông được thế giới vinh danh là “cha đẻ” của phương pháp ghép tế bào gốc từ cuống rốn để chữa bệnh.

PGS.TS Phan Toàn Thắng tại Hội thảo
Sáng lên những tia hi vọng
Ông Phan Toàn Thắng thuyết phục cử tọa bằng những lập luận có cơ sở khoa học. Ông cho biết là ông đã đến thăm cơ sở trị liệu của ông Phan Quốc Việt và ông bị thuyết phục hoàn toàn bởi vì ba lý do: 1, Rất an toàn (không dùng thuốc, không can thiệp vào cơ thể). 2, Vui, các cháu được khuyển khích vận động. 3, Rất kinh tế (đơn giản, không cần thiết bị đắt tiền).
Đặc biệt nhân văn là ông Việt đã giúp các trẻ tự từ chỗ bị kỳ thị lên được tôn vinh. Theo cách giải thích của ông Thắng thì con người ta vốn được cấu tạo bằng hàng tỷ tế bào. Những đứa trẻ bị bệnh tự kỷ có thể là do một số tế bào không nằm đúng vị trí củ chúng. Ông Việt chữa trị bằng cách cho những đưa trẻ tự kỷ tập đứng trên các con lăn, tung bóng trên nền nhạc. Ông Việt gọi hoạt động này là thiền rung lắc.
Ông Thắng cho rằng, trong quá trình rung lắc, các tế bào dần dần tìm về đúng vị trí của mình. Do vậy, những đứa trẻ tự kỷ dần dần phục hồi chức năng nhận thức, giao tiếp, chuyển động.

Trẻ tự kỉ tại Hội thảo
Ông Việt cũng giải thích trước cửa tọa là đầu tiên ông tự dự cảm, tự mày mò cách làm trên có sở đọc rất nhiều sách. Ông cũng vận dụng kiến thức về vật lý lượng tử, năng lượng, tần số & rung động để giải thích cách làm của mình.
Điều làm cho hội thảo sinh động và có sức thuyết phục là ông Việt đã đưa đến hội thảo một số trẻ bị tự kỷ đang được huấn luyện tại cơ sở của ông. Các cháu đã thể hiện khả năng đứng trên con lăn, đi xe đạp một bánh vừa tung bóng vừa đội chai như các diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Có 2 cháu đã trở thành Kỷ lục gia.
6 năm trước, Tạ Duy Anh được bố mẹ mang đến Tâm Việt Group trong tình trạng không đi được, không nói được. Nay, mặc dù khó khăn nhưng anh đã tự đi được, không những nói được mà còn biết hát. Đặc biệt, Duy Anh đã trở thành diễn giả chuyên đi giao lưu khích lệ tinh thần cho các bạn trẻ trên cả nước.
Với sự cộng tác của PGS.TS Phan Toàn Thắng, Tâm Việt Group đang hoàn thiện hệ thống lý thuyết của riêng mình và hi vọng tiến xa hơn với mục tiêu trong việc trị liệu cho trẻ tự kỷ, nâng cao sức khỏe toàn diện và đào tạo nhân tài.
Tự kỷ đang là một vấn đề nhiều quốc gia quan tâm lo lắng, nên chăng các cơ quan hữu quan cần vào cuộc, thẩm định các kết quả của 2 tiến sĩ.
Thực trạng đáng báo động
Trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ trẻ tự kỷ gia tăng rất nhanh chóng. Tại Mỹ, một kết quả khảo sát được công bố năm 2014, cứ 68 trẻ thì có 1 trẻ bị rối loạn tự kỷ, tăng 30% so với năm 2012. Nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Tại Việt Nam, bệnh tự kỷ được biết đến vào cuối những năm chín mươi của thế kỷ 20. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 200.000 người bị tự kỷ. Tuy nhiên, các công cụ và phương tiện chẩn đoán căn bệnh này vẫn còn hạn chế nên trong thực tế số người mắc bệnh này có thể còn cao hơn và liên tục gia tăng.
Điều đáng nói là dù các nhà khoa học ở nhiều nơi trên thế giới đã nỗ lực, nhưng căn bệnh này vẫn còn là một bí ẩn. Các nhà khoa học chưa biết được nguyên nhân chính xác dẫn đến căn bệnh này. Điều này đồng nghĩa với việc chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn bệnh tự kỷ.
|