Thí sinh thứ 4 xuất hiện trong tập này là chú Phan Quốc Việt 64 tuổi đến từ Nghệ An là giáo viên dạy trẻ tự kỷ.
Trước đây thầy từng được nhà nước cho đi học địa chất ở Liên Xô, sau đó chú làm kỹ sư dầu khí và rất nhiều công việc khác. Một thời gian sau chú nghỉ việc, tự tìm tòi và lập nghiệp theo ý muốn bản thân. Đến với nghề dạy trẻ tự kỉ là một cái duyên. Có lẽ vì bản thân thầy bị mù mắt phải bẩm sinh nên khi nhìn các trẻ tự kỉ, tàn tật, chậm phát triển càng thương và đồng cảm hơn. Sau đó, thầy đã quyết định mở một trung tâm huấn luyện trẻ tự kỉ cho trẻ em trên đất nước Việt Nam.
Hiện tại, số học sinh chú dạy đã lên tới 100, đa số đều là những đứa bé chậm phát triển và không nghe lời nên đôi khi chú và các giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Công việc gian nan là vậy nhưng chưa bao giờ chú cảm thấy quá sức hay muốn từ bỏ cả.
Theo thầy, khuyết điểm lớn nhất của giới trẻ hiện nay là thiếu khát vọng, thiếu đam mê. Chính vì vậy mà thầy không ngừng truyền lửa, truyền cảm hứng cho các trẻ tự kỉ và mọi người xung quanh. Chú thường hay hát những ca khúc như Ước mơ tôi tương lai tôi nhằm động viên, khuyến khích tinh thần cho học trò của mình. Sau 5 năm găn bó với nghề dạy trẻ tự kỉ, chú đã thành một người vừa kỉ cương vừa yêu thương, luôn mong muốn học trò của minh phải biết ước mơ, mà một khi ước mơ thì phải to, phải là người giỏi nhất Thế giới. Vì đối với thầy nếu đã ước mơ thì đừng có tiết kiệm, dù chỉ thực hiện được 50% cũng là giỏi hơn những người khác. Từng câu từng chữ của thầy Phan Quốc Việt khiến Ban bình luận đặc biệt là Trịnh Thăng Bình vô cùng tâm đắc. Nam ca sĩ không ngần ngại bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ của mình, chạy lên sân khấu ôm chầm thầy Quốc Việt.
(Theo L.S)