Nhiều phụ huynh đã thực sự lo lắng khi thấy con mình thiếu những kiến thức sống cơ bản. Trong gia đình, công sở những câu thưa gửi, chào hỏi, quan tâm giữa các thành viên... dường như hiếm dần. Lớp trẻ không biết ứng phó trước những tình huống trong cuộc sống, không biết tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ để tránh bị xâm hại thân thể, tai nạn thương tích, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào tệ nạn...
Theo ông Trần Văn Hoàn- Phó Giám đốc Cty Cổ phần Vườn ươm Doanh nghiệp Tâm Việt- Hà Nội: Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn tới thiếu KNS của trẻ là do được bao bọc thái quá, đến mức trẻ không có cơ hội tự suy nghĩ, tự chăm sóc bản thân... và mất dần những KNS cơ bản.
Th.S tâm lý Nguyễn Huy Hoàng (Phó Tổng giám đốc Tâm Việt Group) cũng chia sẻ: "Nếu bao bọc con trẻ nhiều quá chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ "nô lệ thông minh", đầu óc thông minh nhưng nô lệ về ý chí".
Trong trường học, các em chủ yếu học văn hóa chứ chưa có điều kiện để được giáo dục thể chất toàn diện, nên phần nào hạn chế trong ứng xử với các mối quan hệ (giữa con người với con người, con người với môi trường thiên nhiên...). Nhiều trẻ học giỏi, nhưng chỉ biết ăn, ngủ, học và vui chơi. Còn khả năng tự chủ, kỹ năng giao tiếp rất kém. Hành trang vào đời vì thế sẽ thiếu hụt.
|
Một giờ học ở Tâm Việt (Hà Nội): Rèn ý chí - Đi qua mảnh chai |
Tạo cơ hội cho trẻ được thể hiện
Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu đối với mỗi con người. Th.S tâm lý Lê Thị Linh Trang- Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh bộc bạch: Các chương trình sinh hoạt ngoại khóa, phong trào Đoàn Đội là những khóa huấn luyện KNS miễn phí, giúp trẻ phát triển KNS tốt nhất, hiệu quả nhất. Tiếc là nhiều phụ huynh bỏ tiền triệu cho con đi học KNS, nhưng lại thờ ơ với các hoạt động Đoàn Đội ở trường học. Đa số trẻ ít tham gia những trò chơi mang tính xã hội, cộng đồng đã sớm làm quen với vi tính, game online.
Theo ông Trần Văn Hoàn, nhiều trẻ ở những gia đình thu nhập trung bình lại có KNS tốt, biết chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, biết tự giác tổ chức cuộc sống cho mình, bảo vệ bản thân trước nguy hiểm và biết cách vượt qua khó khăn. Đó là do các em được phát triển trong môi trường tự nhiên, nhiều cơ hội được tiếp cận, khám phá thế giới xung quanh để vượt qua sự nhút nhát của bản thân, cảm nhận thế giới xung quanh gần gũi và thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Hành trang vào đời
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, kỹ năng sống là "khả năng thực hiện các hành vi thích nghi và tích cực cho phép các cá nhân đối phó hiệu quả với những thách thức và nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày". Tại các trung tâm huấn luyện KNS, trẻ được chơi những trò mang tính xã hội, cộng đồng, thay cho vi tính, games online... Những sinh hoạt tập thể, vui chơi ngoài trời là cách rèn luyện KNS cho trẻ tự tin, năng động hơn, có những kỹ năng cơ bản như làm việc đồng đội, biết lắng nghe, chia sẻ, quan tâm đến mọi người xung quanh... - vốn là những điều các phụ huynh đang mong muốn.
Các nhà khoa học thế giới cho rằng, để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã không được nhận vào làm việc vì thiếu KNS. Viện Nghiên cứu Giáo dục cũng thống kê thấy 83% học sinh thiếu các kỹ năng mềm, bởi vậy trang bị KNS cho giới trẻ ngày càng trở nên bức thiết hơn.
Th.S Nguyễn Huy Hoàng, Phó Tổng giám đốcTâm Việt Group
Để trẻ được trải nghiệm
Chúng ta học ăn bằng cách ăn, học đi bằng cách đi, học nói bằng cách nói, học viết bằng cách viết... và trẻ em học KNS bằng cách sống với các kỹ năng đó. Nghĩa là phải cho trẻ trải nghiệm, tập tành thành thạo, giúp chúng có những bài học, chứ không chỉ ghi chép các kiến thức.
|