Đối tượng giảng dạy của ông là “từ lớp một đến khi chết”. Họ là GS,TS, thiếu tướng, hiệu trưởng các trường đại học, sinh viên, học sinh, công nhân viên… Và khách hàng thường xuyên nhờ Tâm Việt dạy học còn có các tổ chức như UNDP, World Bank, Jica, Văn phòng quốc hội…
Bỏ vị trí “hốt bạc” tại những tập đoàn kinh tế mạnh tại Việt Nam, tiến sĩ Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Tâm Việt Group, quyết định “mang ngoại hối” ra nước ngoài đóng học phí để đưa tinh hoa về quyết tâm xây dựng một môi trường giáo dục trái ngược kiểu “đọc – chép” truyền thống.
Bắt gặp ông Phan Quốc Việt từ trường quay S1 Đài THVN về nhiệm sở, phóng viên đã “hỏi nhanh, đáp gọn” với vị Tổng giám đốc này:
Không nhất thiết “mười bảy đôi mươi” là phải vào đại học
- Ông đã nói gì với các em thi trượt đại học trong kỳ thi vừa rồi tại trường quay S1
Tôi nói với các em chuyện bằng cấp, việc làm. Lâu nay chúng ta hay nhầm giá trị của bằng cấp, trong khi đó thực tế xã hội bằng bằng cấp và công việc hằng ngày chưa chắc đã là một. Nhiều người có bằng nhưng không được sử dụng kiến thức đã được học được, và rất nhiều kiến thức đã học cũng không bao giờ dùng. Tôi là tiến sĩ toán – lý nhưng chưa bao giờ làm những việc liên quan đến tích phân, hàm số.
- Chắc có những thông điệp được ông đưa ra trong buổi gặp mặt với các thí sinh tại trường quay S1
Hiện nay có hai việc là đi tìm một triết lý cho cải cách nền giáo dục Việt Nam, cái thứ hai là tìm đường đi cho mỗi cá nhân. Cải cải giáo dục phải làm sao thực học phải đi sát với thực dùng, học để dùng ngay. “Bệnh” hiện nay là sau khi có bằng, có chứng chỉ thì không học nữa, vậy chúng ta đang đối diện với vấn nạn mù chữ sang mù học. Đại học là cánh cửa trong cuộc đời, bằng đại học chỉ là giai đoạn trong cuộc đời chứ không bắt buộc phải lấy. Bằng đại học, ta có thể lấy sau này khi đã có kinh nghiệm, khi đã dựng nghiệp, lập thân. Không nhất thiết cứ tuổi “mười bảy đôi mươi” là tôi phải vào đại học. Nhiều người bây giờ cứ muốn làm một lèo cho xong đi, coi bằng đại học, bằng tiến sĩ như một cái gì đấy là nợ đời, và cố gắng trả hết “nợ đời” đi cho được việc.
- Nhưng môi trường như hiện nay, bắt buộc anh phải có bằng đại học. Nếu chỉ có bằng trung cấp, ông không thể tìm nơi làm việc ngon lành
Mỗi kỳ thi đại học ít nhất có 80% thí sinh thi trượt. Một số bạn coi đó là vấn đề kinh khủng. Phải tìm đường đi khác để hướng nghiệp, lập nghiệp. Cần xây dựng cách tư duy mới cho giới trẻ Việt Nam là chí lập nghiệp, dựng nghiệp. Lâu nay chúng ta cứ lấy chứng chỉ để đi làm thuê. Vì anh làm thuê nên phải có bằng đại học. Bằng đại học rất cần thiết, nhưng dựng nghiệp không nhất thiết phải có thứ “nợ đời” này.
Nếu anh đến cơ quan tôi, không bao giờ tôi hỏi anh đang có những loại bằng cấp gì, thấp hay cao. Trước đây, chúng ta xếp lương theo bằng cấp. Nhưng bây giờ, nhiều nơi không làm như thế mà tính công theo năng lực cống hiến. Cơ quan tôi là
đơn vị đào tạo nên bắt buộc phải nhận thạc sĩ, nhưng một người trước mặt anh ông Việt chỉ vào trợ lý hình như cũng chưa tốt nghiệp đại học cười.
- Có một lý do xác đáng nào để giải thích cho việc nhiều thí sinh thi trượt đại học, ngoài câu câu nói vì các em không đủ kiến thức, thưa ông
Khó nhất là năng lực tự nghiên cứu, tự tìm tòi thông tin, tự khám phá. Lâu nay chúng ta đang mắc căn bệnh “đọc chép”. Càng học lâu thì anh càng thụ động. Đó là điều nguy hiểm. Học thì cần chủ động, sáng tạo, mạo hiểm, nhưng chúng ta càng học lại càng … thụ động. Chúng tôi đang tích cực giảng dạy theo phương pháp học qua trải nghiệm. Đầu tiên cứ trải nghiệm đi, sau đó thì thông báo, phân tích sau đó rút ra bài học. Khó nhất là việc rút ra bài học, giảng viên chỉ là người hỗ trợ và khích lệ việc học.
Nhưng để thay đổi mô hình giảng dạy theo kiểu “đọc – chép”, đó là cả một điều rất khó, thưa ông
Đi đầu bao giờ cũng khó nhưng bao giờ cũng sướng. Hiện nay chúng tôi đã đào tạo được trên 2.000 khoá, với thời lượng như vậy thì có thể nói chưa có trường đại học hay trung tâm nào đào tạo nhiều khoá như chúng tôi. Khó nhưng mà hay, bản năng của con người là muốn hoạt động, muốn hoà hợp với thiên nhiên nhưng lâu nay họ bị gò bó trong khuôn khổ. Học sinh ngoan là phải ngồi im, đánh giá học sinh giỏi thì nhất định phải là “dân” chuyên toán!
Quy chế là … do mình
- Xin cắt lời ông, liên hệ với thí sinh Sao mai Điểm hẹn 2008 là Hà Linh, phải chăng thí sinh này bị loại bởi quy chế của ban tổ chức quá khắt khe, và như vậy là chúng ta vùi dập một tài năng đang trong giai đoạn thăng hoa
Quy chế là do con người tạo ra, và ta có thể thay đổi. Không thể giải quyết vấn đề mới bằng tư duy cũ khi chúng ta đã gia nhập kinh tế thị trường.
- Ông nhìn nhận như thế nào về chuẩn mực của ngành giáo dục bây giờ
Hiện nay tôi chưa thấy chuẩn mực nào mới, nhưng chuẩn mực “nói không với bệnh thành tích trong thi cử” thì rất tốt nhưng mới đi được một nửa vấn đề, và nửa đó không phải là nửa mạnh. Thành tích không phải là bệnh, khái niệm không phải là bệnh tật được.
Phải tư duy là giàu sang, là phú quý, văn minh, hiện đại. Anh ở vị trí nào vẫn là hiện đại, vẫn là văn minh, giàu sang. Còn tư duy đỡ nghèo, đỡ khổ, đỡ nhục thì anh có đứng nhất trong những vị trí này thì vẫn nghèo, vẫn khổ.
- Đó là thứ lý luận hấp dẫn, phải chăng là cách ông “tóm” được các khách hàng cỡ “bự” như UNDP, Worlbank, Jica tham gia từng khoá giảng dạy của mình
Vấn đề là phải có cách tư duy để mở con đường cho người ta đi. Anh phải tìm đường đi. Chúng ta cần nói nhiều hơn đến các gương anh hùng lao động sản xuất, kinh doanh chứ không phải rập khuôn theo một mẫu đúc sẵn.
Giáo dục dựa trên giá trị
- Trong câu chuyện của mình, và trong bài giảng ông nhắc nhiều đến việc làm giàu mà đang quên mất những giá trị khác
Tôi rất đồng ý với anh. Trào lưu giáo dục thế giới hiện nay là “giáo dục dựa trên giá trị”. Giá trị của con người mới làm nên tất cả. Làm thế nào để đam mê, vì đam mê mới tìm được những giá trị cốt lõi. Mỗi người đều có một giá trị riêng. Lâu nay ta lại gò bó, phải trăm hoa đua nở, mỗi hoa là mỗi sắc màu. Cái thứ hai là tài năng bẩm sinh. Lâu nay chúng ta chỉ lo khẳng định mà quên mất việc quan trọng là phải khám phá. Khoa học khám phá của Việt Nam hầu như không phát triển. Mỗi con người sinh ra đều có tài năng. Cố thì cố đúng số, rèn thì phải đúng gen của mình.
- Và ông đang cố thay đổi những chuẩn mực, không nhất thiết “chuẩn” trong giáo dục thì ngồi im là ngoan, học giỏi phải là toán. Lên lớp, ông nói với học sinh điều gì
Chúng tôi dạy cho các em kỹ năng ứng xử hàng ngày. Đầu tiên phải làm người đã, sau đó mới nghề, mới tìm ngành. Sống thì phải chia sẻ, trao đổi ý tưởng với nhau. Kỹ năng cười, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe. Chúng tôi giảng dạy cho những đối tượng “từ khi sinh ra đến lúc mất đi”. Cái ta dùng nhiều nhất là quan hệ người với người thì lâu nay chúng ta không được đào tạo những kỹ năng như thế. Kỹ năng của ta là đọc – chép - học thuộc, qua một bộ lọc của người khác mà không phải của mình, làm mất đi khả năng tự lựa chọn mà lệ thuộc vào việc ai đó lựa chọn hộ ta.
Cân bằng lợi ích: Nắm tay phải, nhả tay trái
- Lớp học của ông có nhiều thành phần: lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, công nhân, học sinh. Để đề cập đến một vấn đề với cách tiếp nhận rất khác nhau, rất khó thư ông
Khó nhưng không khó, bởi thực tế người Việt Nam rất thiếu kỹ năng tư duy, lắng nghe, đặt câu hỏi. Đó là những thứ chung như nhau, và khi dạy những thứ chung như nhau thì không khó lắm. Đó là kiến thức bình dân, nói theo khoha học là kiến thức cơ bản.
- Với nhiếu đối tượng học gồm “đại gia” và con nhà nghèo như vậy, việc cân đối lợi nhuận giữa sẽ được tính toán sao đây
Chúng tôi thực hiện theo phương châm “rô bin hút”,
tức lấy tiền người giàu chia cho người nghèo. Lấy tiền những doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài để chia sẻ với học viên nghèo. Đó là cách đầu tư cho giới trẻ. Bây giờ thiệt một tý, nhưng sau đó họ sẽ thăng tiến, hoặc bố mẹ các em làm to, cao … Có những hợp đồng tôi cũng không hiểu vì sao lại đến với mình. Tôi hỏi tại sao anh chị lại mời chúng tôi, họ nói con tôi học ở anh và thấy tiến bộ quá nên tôi mời anh về dạy cho nhân viên.
Nhưng cũng nói thật, lập công ty đã bảy năm nhưng thực tế chưa có lợi nhuận, chỉ cố gắng đủ ăn và mở rộng đầu tư. Một ngày nào đó, tôi mong rằng xã hội, Bộ GD&ĐT sẽ lấy mô hình giáo dục của chúng tôi là ưu điểm để áp dụng vào cải cách giáo dục. Lúc đó, mới bàn đến chuyện “kiếm tiền”.
- Quay lại với câu chuyện giáo dục, ông có vẻ ác cảm với cách dạy “đọc – chép” hiện nay, hệ quả là tạo ra những thế hệ học trò “mù học”. Nhưng vẫn có lo ngại, những phương pháp thuyết trình trên lớp của ông lại không căn cứ vào một chuẩn mực nào. Hoá ra, chẳng qua là “mồm miệng thay chân tay”, không có cơ sở để khẳng định những điều ông nói là giá trị
Chúng tôi đánh giá bằng sự quay lại của khách hàng, cơm phở ngon hay không thì nhìn vào số lượng khách hàng quay lại quán đó. Tôi có những đối tác như Mobiphone, UNDP, Tập đoàn Dầu khí… và những lớp học sinh quay lại học thêm nhiều khoá nữa. Ngoài ra, hiện nay nhiều trường đại học học mời chúng tôi, chỉ đơn giản là hướng dẫn phương pháp giảng dạy kỹ năng giảng dạy hiện nay.
Nhiều trường đại học cả thầy hiệu trưởng, cả ban giám hiệu học chúng tôi. Như vừa rồi Học Viện kỹ thuật quân sự toàn bộ khối giáo viên, từ thiếu tướng đến học viên đều nghe tôi giảng về phương pháp giảng dạy hiện đại. Đại học Hải Phòng, đại học Thái Nguyên cũng học chúng tôi. Sinh viên, hiệu trưởng cũng học chúng tôi.
- GSTS, thiếu tướng, sinh viên, học sinh đều là học trò của ông, đó là điều tự hào mà không phải ai cũng có
Cũng như tôi đi học người khác thôi. Tôi là tiến sĩ, là tổng giám đốc nhưng vẫn phải học từ nhân viên của mình. Nói họ cũng được, nhưng ông nào xấu hổ thì bảo rằng đang “chắt lọc tinh hoa”.
Trân trọng cảm ơn ông!