Nhưng trong trường hợp này, thay vì thế, là các “chú lính nhỏ” tại một cộng đồng trẻ tự kỷ đã tập hợp nhau lại để gói bánh chưng ăn Tết Tân Sửu 2021. Những chiếc bánh chưng mà các em hợp sức nhau cùng gói, được thân thương gọi là “Bánh chưng đồng đội”.
Ngày 5/2/2021, nhóm các em chỉ còn lại non 20 em nhỏ tự kỷ, nhiều em khác trong cộng đồng trẻ tự kỷ Tâm Việt đã về quê sớm hơn để vui đón tết với gia đình. Các em quây quần giữa khoảng sân gạch rộng rãi và thoáng mát, dưới tán nhãn sum suê cùng với thầy, cô và huấn luyện viên. Đôi chiếu cói được trải rộng trên sân gạch, mâm, khuôn gói bánh, rổ đỗ, xoong thịt ướp muối tiêu, lá dong xanh, lạt giang mềm mại,… tất cả đã sẵn sang chờ những đôi bàn tay thầy cô thoăn thoắt, chờ những đôi bàn tay trò tự kỷ còn lóng ngóng gói thành từng chiếc bánh chưng xanh.
Bé Tâm được mẹ, cũng là cô giáo Minh dạy cách đong bát gạo đổ vào lá bánh sao cho gọn gàng, lấy đỗ sao cho vừa vặn. Thầy Đông hướng dẫn trò Tuấn Minh cách gói bánh bằng khuôn, các anh lớn hơn, nắm tay các em nhỏ đặt vào lá bánh, kiên nhẫn dạy em cách gói bánh. Thực cảm động khi lặng lẽ quan sát những đôi bàn tay này đang gói bánh. Những đôi bàn tay trẻ thơ, tự kỷ tăng động, trước kia chỉ quen đập phá đồ, đánh người khi lên cơn, nay lại ân cần nắm lấy tay nhau, uốn nắn nhau cách gói bánh chưng sao cho chuẩn.
Khắc Hưng rất vui vẻ với thành quả "bánh chưng" mình vừa gói được
Các trò lớn hơn thì không cần ai hướng dẫn, đã tự cùng nhau gói chung những chiếc bánh. Dù đôi tay còn lóng ngóng, dù cách xiết lạt có khi còn quá mạnh, nhưng rồi các em cũng làm bánh thành công. Từng nếp lá dong đã được gấp, miết gói kín lại, từng sợi lạt đã được xiết chặt.
Nhưng kết quả thật thú vị, những chiếc bánh các em làm ra không đều nhau, hình dạng cũng rất… khác biệt: có cái bánh hình chữ nhật, có bánh dẹt, có bánh hình trụ, có bánh hình thang, đầu to đầu nhỏ. Có cái bánh to ngoại cỡ, được 5 bạn tự kỷ chung tay cùng gói. Bạn thì sắp lá, bạn xúc gạo, bạn cho thịt vào nhân, bạn ấp lá, bạn xiết lạt. Ai nấy đều hào hứng làm từng công đoạn để chiếc bánh được ra đời, và các em đặt tên là BÁNH CHƯNG ĐỒNG ĐỘI.
Trong chúng ta, những người bình thường, có khi cũng có người chẳng biết gói bánh chưng. Đặc biệt với các em tự kỷ, thiếu tập trung thì việc gói bánh chưng dường như bất khả khi các em sống trong gia đình với cha mẹ, ông bà. Thậm chí các em còn chẳng biết cầm bát đũa ăn cơm. Vậy mà nhờ được sống trong cộng đồng, được yêu thương, đồng cảm nhau, được huấn luyện đúng cách, được chung nhau làm một việc trong niềm vui thú, các em lại có thể gói được bánh chưng. Đó là điều không tưởng đối với nhiều phụ huynh.
Nói về tác dụng của việc cho trẻ tự kỷ gói bánh chưng,
Tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ: “Các em tự kỷ cũng có quyền được hưởng không khí Tết vui tươi ấm áp như bất kỳ ai khác. Trong cộng đồng trẻ tự kỷ, các em bình đẳng như nhau, đồng cảm với nhau, cùng làm chung một việc không chỉ khiến các em hạnh phúc, mà còn giúp các em rèn kỹ năng làm việc nhóm, hỗ trợ lẫn nhau, cùng trân trọng thành quả lao động của nhau.”
Hàng chục chiếc bánh chưng được gói xong, bánh thầy gói thì vuông vắn, bánh trò gói thì ngắn, dài, dày, dẹt khác nhau, nhưng đặt cạnh nhau thì đều khiến ai nấy bật cười vui vẻ với thành quả chung đó. Điều quan trọng là bánh đầy đủ vỏ bánh, nhân bánh và gói chặt tay, kín lá. Khi bánh luộc xong, bóc ra bánh ngon, dền dẻo, thơm mùi lá dong, mùi đỗ thịt gạo nếp cái và ăn vừa vị.
Buổi tối, các phụ huynh đến đón con, đều được nếm bánh chưng do chính tay con mình gói. Có phụ huynh ăn miếng bánh ngon mà nước mắt rưng rưng hạnh phúc. Trước kia, ngày Tết con ở nhà với bố mẹ, thì chỉ lo canh giữ con để làm sao con không phá phách và gây thương tích cho bản thân đã đủ mệt mỏi, nay con được ở trong cộng đồng trẻ tự kỷ, bố mẹ được ăn bánh chưng do chính tay con mình gói, thì hạnh phúc nào bằng.
Bố mẹ các em thống nhất rằng BÁNH CHƯNG ĐỒNG ĐỘI được các con tự kỷ cùng nhau gói năm nay là những chiếc bánh đẹp nhất, ngon nhất trong mắt họ.
Kiều Mai