Đến Ngôi nhà Tâm Việt để huấn luyện theo phương pháp đặc biệt, phối hợp ba kỹ năng khó: đi xe đạp một bánh tiến - lùi, đội chai nước cân bằng trên đầu, trong lúc tay tung hứng 3 bóng (số bóng tung hứng sẽ tăng dần lên theo sự tiến bộ của người học), sau hơn 4 tháng, Gia Hưng đã có thể chạy chân bằng như người bình thường, cả bàn chân chạm mặt đất.
Nhìn trân trân vào bàn chân con trai đặt trọn vẹn trên mặt đất khi chạy, anh Hà không tin nổi vào mắt mình. Bao năm qua, anh đã kiên trì, cố gắng đến tận cùng mà vẫn thất bại trong việc giúp con trai đi chân bằng bình thường trên mặt đất, vậy mà tại đây, các thầy cô đã làm được điều đó.
Từ chàng “khổng lồ phá phách”
Trần Gia Hưng sinh ngày 25/11/2002 tại Hà Nội. Khoảng gần 2 tuổi gia đình thấy con có một số biểu hiện khác thường nên cho đi khám tại viện nhi Thụy Điển. Ngày đó thông tin về tự kỷ rất ít nên họ chỉ chẩn đoán Hưng mắc chứng rối loạn hành vi, điện não đồ có sóng lạ. Bệnh viện khuyên anh Hà, bố Hưng cho em đi can thiệp hành vi sớm.
|
Gia Hưng trước kia luôn đi nhón chân |
Anh nghe lời bác sĩ cho Hưng đi rất nhiều trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ, có nơi Hưng được học 3 đến 5 năm, ngoài ra anh còn đăng kí học theo giờ và tự tập cho con ở nhà. Hưng rất nghịch, không chịu nghe hiệu lệnh của ai. Em không nói được, thậm chí không biết nhai thức ăn. Ánh mắt của Hưng không nhìn thẳng người đối diện mà có điệu nghiêng nghiêng nhìn, khi đi cũng không khi nào nhìn đường nhưng lạ thay chưa bao giờ em bị ngã, kể cả đi lên xuống cầu thang. Anh Hà phải dùng hai tấm bảng, một đen một trắng thay đổi liên lục trước mắt để Hưng tập nhìn thẳng.
|
Gia Hưng bây giờ (giữa) |
Từ bé Hưng đã mắc tật đi kiễng chân. Có thông tin cho rằng, một số trẻ tự kỉ khi để cả bàn chân chạm đất thì có cảm giác đau và không thoải mái. Do vậy, anh Hà đi học cách dùng cái lăn chân và quả cầu massage rồi về nhà tự làm cho con. Nhờ vậy, đến khoảng 4 - 5 tuổi, tật đi kiễng chân của Hưng không còn nữa. Nhưng đến khoảng năm 14 tuổi, Hưng bắt đầu đi kiễng trở lại. Với một niềm tin không bao giờ tắt là có ngày con mình sẽ thay đổi, sẽ sống hạnh phúc hơn, anh Hà không nản, mà tiếp tục tìm kiếm thông tin về những nơi chữa tự kỷ.
Trước kia Hưng có nghịch ngợm đến mức nào thì anh Hà vẫn bảo được con. Nhưng đến khoảng gần giữa tháng 8/2018, trong khoảng 3 ngày Hưng bỗng nhiên nổi loạn mất kiểm soát. Em bẻ tất cả các vòi nước, phá tủ lạnh, giật các phích cắm điện. Sau mỗi trận phá phách như vậy, mồ hôi ra nhiều, nóng, Hưng bắt bố tắm cho mình. Có ngày đỉnh điểm anh Hà bị con bắt tắm cho đến 17, 18 lần. Rồi em đòi chạy ra đường không ai cản nổi. Hai ngày liền em không ngủ mà chỉ tìm cách phá phách, tè dầm, xé hết quần áo. Mỗi khi cáu lên em lại tự đập đầu mình đến sưng to, chảy máu. Gia đình buộc phải cho em sử dụng thuốc và làm thêm cả tấm sắt chắn cửa để Hưng không lao ra khỏi nhà.
Đúng trong thời khắc khó khăn ấy, chị Phong Lan có con tự kỉ đang theo học tại Tâm Việt Phú Xuyên đã giới thiệu và hướng dẫn anh Hà đưa con đến trung tâm.
Như bắt được chiếc phao cứu trợ quý giá, ngày 16/8/2018 gia đình đưa Gia Hưng đến trung tâm (nơi mọi người có con học ở đây thường gọi là “Ngôi nhà Tâm Việt”) gặp Người sáng lập Trung tâm là thầy Phan Quốc Việt để xin theo học.
Hình ảnh đầu tiên của Hưng khi xuất hiện ở Tâm Việt khiến một số thầy cô choáng ngợp bởi vẻ ngoài sumo đô con của em. Với vóc dáng khổng lồ và 85kg cân nặng, chỉ trong mấy ngày đầu đến trung tâm em đã “xử lí gọn lẹ”, bẻ toàn bộ vòi nước của các phòng vệ sinh, phòng tắm. Thanh sắt phi 10 làm then cài cửa Hưng cũng bẻ gãy trong chớp mắt. Ổ cắm tủ lạnh phòng nam được em tuốt sạch đến nỗi chỉ còn trơ hai dây đồng. Lúc cáu là em tự lấy tay đập thẳng lên trán cho sưng lên, thậm chí sau khi bẻ vòi nước còn dùng thanh cầm vặn vòi đập đến rách da đầu chảy máu.
Tới cậu trai tình cảm
Để giảm bớt tính phá phách hung hăng của Hưng, nhất là không cho sử dụng thuốc thì chỉ có một cách duy nhất là tập luyện cho em nhiều hơn. Các thầy giáo to khỏe được lệnh huấn luyện kèm cặp Gia Hưng tập xe đạp 1 bánh liên tục sáng - chiều - tối. Trong các bữa ăn em không ăn rau, có khi không ăn cơm mà chỉ ăn thịt. Các cô huấn luyện cho Hưng bằng cách: để riêng một bát thịt trước mặt Hưng và yêu cầu em ăn rau với tiêu chí: “Ăn hết rau thì được ăn thịt”. Em không thích ăn bánh cuốn thì cách huấn luyện cũng vậy, thông điệp cho em là: “Ăn hết bánh cuốn thì được ăn thịt, ăn cơm”. Em chưa nói được nhiều nhưng rất hiểu quy tắc của thầy cô nên dần dần đã chịu ăn rau, ăn nhiều cơm, có hôm nào canh ngon chỉ cần cơm chan canh là em ăn được cả tô đầy.
Việc sửa lại vòi nước do Hưng phá vừa tốn chi phí vừa không chắc chắn nên thầy Nghị đã thiết kế một cách mới để không phải dùng đến cần gạt nước mà vẫn sử dụng vòi nước bình thường. Chính thầy Nghị là người trực tiếp huấn luyện và kèm cặp Hưng nhiều nhất trong quá trình em tập xe đạp một bánh từ lúc đạp những bước đầu tiên hai người đỡ hai bên đến tự lên xe cân bằng và đạp xe đi vèo vèo từ đầu cổng này sang đầu cổng kia trong trung tâm.
Công cuộc huấn luyện của thầy trò cứ thế kiên trì mỗi ngày từ sáng tới tối muộn. Đến một ngày phụ huynh khi đến thăm con đã phải thốt lên kinh ngạc vì không thấy cái bụng mỡ to uỵch của Hưng đâu, thay vào đó là cơ bụng 6 múi. Làn da trắng của thiếu niên Hà Nội đã được nhuốm màu nâu rắn chắc, mạnh khỏe. Đặc biệt hơn hết, tính tình của Hưng bớt tăng động hẳn, nhẹ nhàng hiền lành hơn trước rất nhiều, không còn ngổ ngáo, thỉnh thoảng ngồi buồn còn khóc. Hưng rất biết nghe lời thầy cô, chỉ cần nhắc nhở là em tự giác lấy xe lên và đi. Mỗi lần anh Hà đến thăm con lại thấy con biết cách thể hiện tình cảm ngày càng rõ ràng, vui vẻ và quyến luyến mỗi khi bố ra về. Bạn bè anh Hà đến thăm Hưng cũng nhận thấy em khá hơn trước rất nhiều, ổn hơn lúc ở nhà.
Chừng nào thấy Hưng buồn các thầy cô lại khen Hưng đẹp trai, giỏi là em vui sướng và cười nhiều. Anh Hà chia sẻ, khi ở nhà mỗi lúc được gọi bằng tên trìu mến thân mật như “Béo ơi” em cũng rất vui.
Cảm nhận về các thầy cô tại Ngôi nhà Tâm Việt, anh Hà nói: “Các thầy cô đang tuổi thanh xuân mà về nơi xa xôi, tự nguyện ở trong trang trại 24/24h để dạy dỗ, huấn luyện và chăm sóc các con. Riêng điều đó thôi đã khiến tôi nể phục và vô cùng trân trọng”.
Ngày đầu đến Tâm Việt, hai chân của Hưng lúc nào cũng kiễng ngược lên, mẹ em còn phải dùng cả hai tay để giữ bàn chân em chạm đất nhưng vô hiệu. Các thầy cô đã có những bài tập vô cùng sáng tạo, độc đáo dành cho cậu học trò đặc biệt này.
Sau hơn 4 tháng, kì tích xuất hiện, Gia Hưng giờ đây đã tự tin bước và chạy những bước chắc chắn trên cả đôi bàn chân của mình. Em đã được “hạ độ cao” mà chẳng cần phẫu thuật hoặc một viên thuốc nào. Từ thầy Phan Quốc Việt - người sáng lập trung tâm đến các thầy cô như vỡ òa trong sung sướng, kịp ghi hình và gửi vội những video tuyệt vời nhất đến bố Gia Hưng. Để có được kì tích ngày hôm nay là nhờ sự kiên trì và nỗ lực của cả một tập thể thầy cô, những người luôn mang trong mình tình yêu thương vô bờ bến đối với những đứa trẻ tự kỉ. Và niềm tin của anh Hà “Rồi một ngày giấc mơ có thật” đã được khẳng định. Hạnh phúc cuối cùng đã trào dâng trong người cha 16 năm đi tìm hạnh phúc cho con.