Chị Hằng xem và nhận thấy con có những biểu hiện giống hai đứa trẻ sinh đôi của Trung Quốc. Lúc đó gia đình mới tìm hiểu và nhận thấy Bảo có biểu hiện gọi không quay đầu lại, đi kiễng chân và không chơi đồ chơi mà chỉ ném hoặc quay những đồ vật có hình tròn. Ngày đưa Bảo đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung Ương bác sĩ kết luận em mắc tự kỉ và hội chứng này không thể chữa khỏi, bố mẹ và gia đình em rất buồn, cố gắng đưa con đi can thiệp sớm ở một trung tâm trên đường Bưởi kèm những đợt trị liệu tại viện Nhi. Về sau, gia đình anh chị mời cả giáo viên về nhà can thiệp, rồi còn cho sang một trung tâm ở Ngã tư sở học. Quốc Bảo được học khoa giáo dục đặc biệt của trường sư phạm rồi châm cứu tại viện Châm cứu Trung ương. Suốt mấy năm ròng gia đình chị Hằng đưa em đi chạy chữa nhưng tình trạng cũng chỉ đỡ được phần nào. Vừa uống thuốc kết hợp đi can thiệp của Viện Nhi và can thiệp ở các trường học, trung tâm từ khi 2 tuổi đến khi 4 tuổi rưỡi em mới gọi được “mẹ”, “bà”, và một số từ khác. Ở nhà, mẹ em cũng kiên trì dạy nói và học chữ cái ghép chữ theo sự hướng dẫn của các cô giáo. Hiện tại Bảo cũng đã viết được chữ cái và đánh vần nhưng càng lớn em càng có những biểu hiện bất thường ngày càng nặng như hay vỗ tay hò hét, tự nhiên khóc cười, hay đi vệ sinh lung tung, …. Chị Hằng cố gắng kiên trì rèn luyện nên con đã biết đi vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ rồi đến 6, 7 tuổi con biết tự đi vệ sinh. Năm 2013, gia đình động viên bố mẹ em sinh thêm em bé thứ 3, trên Bảo còn có 1 chị gái. Lúc em 7 tuổi, mẹ em không cho con đi can thiệp ở các trung tâm mà cho em học ở trường mầm non tư thục gần nhà và có can thiệp riêng của cô giáo. Đến 9 tuổi em lớn quá các cô cũng không nhận học nữa nên em ở nhà với mẹ và em bé.
Cuối năm 2017, có người giới thiệu nên gia đình chị Hằng 1 lần nữa, cố gắng cho con đến trung tâm Tâm Việt học tập và rèn luyện. Hình ảnh ngày mới đến trung tâm của Bảo là 1 cậu bé nhỏ người, hay chạy, 1 tay cầm chai nước gõ vào tay còn lại miệng kêu những âm thanh chói tai, hoặc tự nhiên cười sặc sụa và tìm cách phá đồ đạc trong phòng. Khi ra ngoài chơi Bảo còn hay “xin” hoặc cướp đồ ăn của mọi người: khi thì que kem, túi mía, cái bánh, chiếc kẹo, ….. Có khi cho ra ngoài đi ăn em còn chạy cả vào khu bán đồ ăn của người Nhật để “chôm” đồ ăn. May mắn các anh chị ở đó hiểu và thương em nên không trách mắng hay bắt phạt tiền.
Bằng tình yêu thương và sự kiên trì đối với Quốc Bảo, hiện tại em đã chăm chỉ tập luyện, tiến bộ vượt bậc ở bài tập tự lên và đi xe đạp 1 bánh, em cũng dắt được các bạn khác cùng đi. Bảo còn xuất sắc trong bài tập đi xe đạp lùi. Những hành vi nghịch phá hay đi vệ sinh lung tung của em dần giảm đi rất nhiều. Ngoài tập luyện thể lực, các cô còn tập cho Bảo nói nhiều, nói to và rõ ràng hơn trước.
Chị Hằng mẹ Bảo cũng chia sẻ: “Với sự yêu thương và tâm huyết của các thầy cô Tâm Việt Bảo đã đỡ vỗ tay hò hét, ăn uống gọn gàng sạch sẽ hơn vì ở nhà con ăn hay văng vãi lung tung. Ra đường em cũng không chạy như trước nữa. Trước ở nhà con rất hay nghịch nước và xà phòng còn bây giờ tình trạng đỡ hơn rất nhiều. Gia đình cảm ơn Ts. Phan Quốc Việt – Giám đốc trung tâm và các thầy cô Tâm Việt đã yêu thương và dạy dỗ em những bài tập rất tốt cho cải thiện hành vi của con”.
Thành tích Quốc Bảo đạt được lại một lần nữa chứng minh với trẻ tự kỉ, không chỉ là việc sửa trực tiếp những hành vi bất thường của các em mà là thay hành vi khác vào và tập nhuần nhuyễn, điêu luyện. “thay thói quen xấu thành thói quen mới tốt hơn”, “diệt cỏ bằng cách trồng hoa hồng”. Chúc cho những đóa hồng Quốc Bảo đạt được ngày càng nhiều, càng xuất sắc và đẳng cấp hơn nữa.
Tác gải bài viết: Phạm Trang