Đào tạo doanh nghiệp Hoa nhap cong dong Teambuiding teamwork

Vườn Cổ tích Tâm Việt. Bài 12. Tony Võ và món quà của Thượng đế

Ngày 20 Tháng 5, 2019
Tony Võ - tên thật là Võ Tuấn Anh sinh ngày 27/4/2003 tại Quảng Ninh. Khi được hơn 1 tuổi, thấy biểu hiện khác thường, gia đình đã cho đi khám ở BV Nhi Trung Ương và được chuẩn đoán em mắc hội chứng tự kỉ dạng tăng động, vợ chồng chị Vân không chấp nhận sự thật nên tiếp tục khăn gói đưa con vào tìm bác sĩ giỏi ở BV Nhi đồng 1, TP. HCM nhưng kết quả vẫn vậy.
 Với hội chứng tăng động giảm chú ý, Tony nghịch luôn chân luôn tay không chịu ngồi yên một chỗ, không chơi với các bạn, chỉ thích làm theo ý mình. Mới đầu em còn nói mấy từ đơn giản: “ba”, “bà”, ….. thích cái gì thì biết nói “ạ”, nói “xin” nhưng sau thì có bảo hay dỗ dành cũng không chịu nói nữa.

Tầm 3 tuổi rưỡi, bố mẹ đưa Tony lên Hà Nội tìm trường học được hơn 1 năm thì về lại Cẩm Phả học mẫu giáo.  Dần dần, em biết nói nhiều hơn, biết tập đọc, tập viết. Điều đặc biệt, Tony nghịch nhưng rất hiền và giàu tình cảm, không bao giờ đánh ai. Em thích ăn các loại thịt nên người khá mập. Ở trường rất nghe lời cô nhưng về nhà là không sợ ai cả. Nếu cho em ra ngoài ăn với bạn bè thì hai vợ chồng chị Vân phải thay nhau trông con. Thậm chí có lần đi ăn chị nhờ một bạn nhân viên trông chưa được nửa tiếng bạn đem con lại bảo không trông được vì Tony nghịch quá, không nghe lời và đi lại liên tục. Đã 2 lần chị Vân tưởng chừng sẽ không bao giờ tìm được Tony nữa vì em chạy đi không ai biết. Cảm giác ấy giờ thỉnh thoảng vẫn trở về trong giấc mơ khiến chị giật mình tỉnh giấc.

Năm Tony 6 tuổi, sau khi chồng mất được 100 ngày, chị Vân quyết định tiếp tục đưa con lên Hà Nội học. Trải qua nhiều trường khác nhau, Tony tiến bộ hơn về ngôn ngữ, nhưng lại mắc tật hay nói lảm nhảm 1 mình và hành vi không thay đổi nhiều.

Qua một người bạn giới thiệu, tháng 11 năm 2016 chị Vân chuyển trường cho con về học tại Trung tâm Tâm Việt. Ngày mới vào, các thầy cô không chỉ ấn tượng với vẻ ngoài bụ bẫm mà còn bởi sự ham ăn và giữ đồ tuyệt đối của em. Em khá nghiền bia, coffe hay đồ uống có ga. Nếu với các bạn khác mới vào cần tập nhảy con lăn, tung bóng đội chai để rèn luyện sự tập trung, thăng bằng, hướng thượng thì với Tony cần phải rèn cả việc ăn uống điều độ, ăn chậm, từ tốn, biết chia sẻ đồ ăn cho người khác và quản trị hành vi khi không vừa ý hoặc bị người khác trêu đùa.

Theo phương pháp ban đầu của Tâm Việt, mỗi bạn sẽ được phân công 1 bố 1 mẹ huấn luyện. Tony có 2 người bố vô cùng đặc biệt là bố Nguyễn Chí Trung và bố Lại Tiến Thành, không những hết mực yêu thương mà còn kỉ cương nghiêm khắc giúp Tony tiến bộ từng ngày. Trải qua 2 năm huấn luyện tại môi trường mới, Tony "lột xác" là một thiếu niên 15 tuổi chững chạc và trưởng thành hơn rất nhiều cả về chuyên môn và tính cách: Biết nhảy 3 con lăn, tung 5 bóng, đội chai, đi xe đạp 1 bánh đội chai tung 3 bóng 100 lần, đi xe đạp 1 bánh lùi đội chai tung bóng, ….

Bất ngờ là chỉ với chừng đó thời gian, em đã giảm được gần 10kg và lúc nào cũng nói: “Tập luyện chăm chỉ để có body đẹp, lấy 11 vợ”. Tony rất giỏi giao tiếp, biết cách bày tỏ cảm xúc nên dễ gây thiện chí với thầy cô, bạn bè, thậm chí ngay cả người lần đầu tiên gặp mặt. Em sống rất tình cảm, biết quan tâm yêu thương tất cả mọi người. Chỉ cần bất kì thầy cô nào kêu đau kêu mệt là Tony sẵn sàng chạy ra nói: “Con đấm lưng cho bố…./mẹ.....ạ”. Đôi bàn tay tiềm ẩn năng khiếu bẩm sinh ấy thực hành những động tác đấm bóp chuyên nghiệp, thành thục và khéo léo một cách kì diệu.

Với khả năng thực hiện xuất sắc các bài tập, Tony được tiến sĩ Phan Quốc Việt, thường xuyên cho đi biểu diễn nhiều nơi, góp mặt trong nhiều chương trình lớn của Đài truyền hình: Điều ước thứ 7, hành trình truyền cảm hứng, …..là minh chứng sống về tấm gương một đứa trẻ đặc biệt vượt lên số phận để chứng minh những giá trị bản thân mang lại cho cuộc sống.

Vị thế người anh lớn của Tony dần được khẳng định tại trung tâm khi em chuyển từ vai trò học sinh lên huấn luyện viên tiếp tục giúp thầy cô đào tạo, chăm sóc những em nhỏ hơn. 
Hội chứng tự kỷ như một án tù chung thân với bất kỳ đứa trẻ nào mắc phải. Điều mà chị Lê Vân, mẹ Tony lo lắng khi con mình bước vào tuổi dậy thì và ngày càng lớn lên thì trung tâm nào sẽ chấp nhận huấn luyện con? Tương lai của những đứa trẻ như Tony luôn là một dấu hỏi lớn.

Phép màu cuộc sống thực sự có thật khi gia đình Tony biết đến trung tâm Tâm Việt, nơi duy nhất trên thế giới đào tạo trẻ tự kỷ tuổi dậy thì. 
Ở nơi đây, Tony không những được huấn luyện nhiều bài tập giúp giảm hành vi bản thân, mà chính em đang dần vẽ những nét tươi sáng nhất trong bức tranh về tương lai trở thành huấn luyện viên trẻ tự kỷ của mình.

Mỗi đứa trẻ sinh ra là một món quà mà Thượng đế ban tặng cho cuộc đời. Dù đứa trẻ có khiếm khuyết nhưng bằng tình yêu thương, lòng trắc ẩn của một con người, tha thiết mong xã hội hãy dang tay đón nhận, cho các em được hòa nhập cộng đồng và cơ hội được Tỏa sáng như một Thiên thần!

Tác giả: Phạm Trang



Liên kết Tâm Việt

Tâm Việt trên Facebook