Nguyễn Tuấn Tú sinh ngày 11/8/2008 trong một gia đình có bố mẹ đều khỏe mạnh bình thường. Nhưng đến 1 tuổi rưỡi, gia đình phát hiện thấy em không nói, ít quan tâm đến xung quanh nên đã đưa em đi khám tại Bệnh viện Nhi TP. HCM và bác sĩ chuẩn đoán em chậm phát triển. Từ khi biết tin, gia đình rất hoang mang , lo lắng, không biết bao lần bố mẹ đưa em đi chạy chữa ở nhiều nơi từ Sài Gòn ra Hà Nội, cho đi học trường chuyên biệt, mướn cô về nhà dạy riêng nhưng Tú vẫn không phát triển. Em không nói được, hay cáu gắt, tăng động. Tú rất hay đi lang thang nghịch nào cát, sỏi hay xé giấy tờ, sách vở. Để nói cho người khác hiểu rất khó, nhưng em lại giỏi “tự hùng biện” với những tràng bắn liên thanh như chim hót mà không ai nghe hiểu nổi.
Qua một người bạn giới thiệu, 8/12/2017 gia đình đưa Tú ra Hà Nội gặp Ts. Phan Quốc Việt và xin cho em vào học. Một số thầy cô chắc chưa quên được hình ảnh một người bố lặn lội từ tận Đồng Nai đưa con ra Hà Nội học, chia sẻ với giáo viên về con mà khóc lặng người. Khoảng cách giữa em và gia đình không hẳn là hơn nghìn rưỡi cây số đường về quê, mà cả ở nhận thức còn quá ngây thơ, non nớt của em khiến ai cũng chạnh lòng.
Và ở đâu đó, có những người Bố người Mẹ, lập face ra không hẳn để đăng ảnh giải trí cho vui, mà để có cho mình một cái face mà âm thầm vào dõi theo từng bữa ăn, giấc ngủ và những bước trưởng thành tiến bộ của con.
Với nỗ lực không chịu khuất phục số phận của Bố Mẹ và sự kiên tâm của các thầy cô tại Tâm Việt, chỉ mới chưa đầy 6 tháng ra Hà Nội, Tú đã thay đổi rất nhiều. Em ngoan hơn, hiểu biết và thuần tình hơn, ít cáu gắt hơn trước. Trước đó, Tú đã biết đọc theo và hát mấy bài, có lúc vui thì tự hát 2, 3 bài liền. Khi ra Tâm Việt, em được các thầy cô dạy cho nhiều bài thơ: Con yêu mẹ, Cây dây leo, …. Hay hát bài “xòe bàn tay”, cháu vẽ ông mặt trời”, “lắc lư”, ….. Hiện tại Tú đã nhớ được tên một số thầy cô trong trung tâm. Mỗi khi nhìn thấy em mà các thầy cô hô: “Tú cười nào!”, là em nở nụ cười rạng rỡ, hay hô: “Tú hát nào!”, ngay lập tức em sẽ cất tiếng hát: “Bố là tàu lượn, bố là xe hơi, ….” Nhìn khuôn mặt tươi tắn đáng yêu ấy, khó ai có thể nhận ra em là đứa trẻ mang trong mình hội chứng tự kỉ.
Đặc biệt, Tú được anh Đặng Văn Phú chăm sóc theo một cách cũng khá đặc biệt mà có lẽ chỉ 2 anh em mới hiểu nhau đến vậy. Anh Phú chăm cho em từ ăn uống đến tập luyện. Quá trình tập cho Tú tung bóng đã khó, tập cho em tập trung đội chai được càng khó hơn. Và hành trình tập đi xe đạp là những tháng ngày gian nan vất vả của 2 anh em. Đã có lúc các thầy cô được trận cười đau bụng vì anh Phú tập mãi cho Tú không được, anh ……. bật khóc. Tất cả chỉ là bước đệm chuẩn bị, đến lúc tới, đúng thời điểm thì ắt sẽ được. Rồi Tú biết đi xe, biết tự lên và bây giờ là hỗ trợ dắt các bạn khác cùng đi nữa.
Một bài tập thành công không chỉ ở phương pháp, mà là sự kiên tâm, kiên trì và tình yêu thương vô điều kiện mà các thầy cô dành cho từng Vips như anh Phú dành cho em Nguyễn Tuấn Tú vậy. Có rất nhiều phụ huynh khi đến với Tâm Việt hỏi về giáo trình dạy bài bản. Nhưng ở đây là gần 50 học sinh với 50 trạng thái tâm sinh lí khác nhau, có giáo trình bài bản nào dạy được các em? Cho nên ngoài bài tập vận động chung, mỗi bạn đều xứng đáng được yêu thương theo một cách đặc biệt. Được tập theo một giáo trình chuyên biệt , hướng đến mục đích tối thượng là các em xuất sắc vượt trội, phát huy tiềm năng, năng khiếu bản thân và tỏa sáng theo cách của riêng mình.
Anh Nguyễn Tiếp, bố em Tú chia sẻ: “Mỗi lần nhắc đến Tú là anh lại khóc nhiều. Gia đình ở xa nên mọi việc nhờ các thầy cô quan tâm và chăm sóc cháu. Anh chỉ mong con phát triển trở thành những đứa trẻ bình thường”.
Tin thì thấy, thấy lại càng tin. Khi cả Bố mẹ, gia đình, thầy cô và xã hội đều mang trong mình một năng lượng niềm tin mạnh mẽ em Nguyễn Tuấn Tú tiến bộ, nhận thức tốt và ngày càng xuất sắc và truyền năng lượng tuyệt vời đó đến với em thì ước mơ đưa con trở lại Hòa nhập cộng đồng của Gia đình chắc chắn thành hiện thực.
Tác giả bài viết: Phạm Trang