5 năm trước, trong một căn nhà xập xệ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người qua lại ai cũng thấy cậu bé Nguyễn Đình Khánh Hưng (3 tuổi) ngồi đờ đẫn nhìn ra ngoài đường như ngây, như dại. Hết ngồi nhìn xe, cậu lại tìm đến tivi nhiều giờ liền, không một ai nhắc nhở. Hơn 3 tuổi, Hưng chỉ nói được một chữ ''ôtô'', thế nhưng gia đình vẫn nghĩ là bình thường, cho con đến trường mẫu giáo với hi vọng tiếp xúc với bạn bè sẽ giúp cậu hoạt bát hơn. Ai ngờ chỉ ít bữa, cô giáo nói riêng với chị Hoàng Thị Năm (35 tuổi) - mẹ của Hưng - về những biểu hiện bất thường của cậu như thường xuyên cầm bút chì đâm bạn, không nói thành câu mà chỉ ú ớ trong miệng, không chịu ăn bất cứ thứ gì ngoài uống sữa. Anh Nguyễn Đình Quân (37 tuổi) khi nghe vợ kể về con trai cho rằng vợ nói linh tinh, nhất quyết không cho con đi khám. "Tôi chỉ biết im lặng một mình đưa con đi Bệnh viện Nhi trung ương thì được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ. Trước đó tôi nuông chiều con, muốn ăn gì tôi cho ăn nấy, con muốn xem TV cả ngày tôi cũng để vậy, sau này mới thấy mình quá sai lầm'', chị Năm tâm sự. Điều kiện kinh tế eo hẹp, chị Năm vẫn đưa con đến học tại một lớp học dành riêng cho trẻ tự kỷ, nhưng gần 4 năm vẫn không có nhiều khả quan. Khánh Hưng hơn 6 tuổi vẫn chưa biết nói, ngôn ngữ của cậu chỉ là nghiến răng và đập đồ đạc, thường xuyên cáu gắt với bố mẹ và ông bà. Khi Hưng 7 tuổi, chị Năm đưa con đến trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ của tiến sĩ Phan Quốc Việt tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) vì nghe đến phương pháp mới. Ở đây, người học và người huấn luyện cùng nhau tập các nội dung xiếc như đạp xe một bánh, đứng thăng bằng trên con lăn... Bên cạnh đó, tất cả đều ở lại trường 24/24 giờ, tách biệt hoàn toàn khỏi gia đình và công nghệ. 'Ngày đầu mới đến, các thầy cô ngỡ ngàng phát hiện trong suốt 7 năm từ khi sinh ra, Hưng không ăn cơm, ăn rau hay thịt cá. Khi đút cơm, em phì hết cơm vào mặt thầy cô rồi giơ tay đánh, chân đạp. Nói chung ngôn ngữ của cậu bé chỉ là la hét và đập phá'', tiến sĩ Việt kể lại. Để phù hợp với sở thích, Hưng được tập ăn cơm trộn sữa. Sau 5 ngày, các thầy cô tập cho cậu ăn được những thìa cơm đầu tiên. Khánh Hưng lúc này không nói, thậm chí cơ miệng của cậu cũng hiếm khi hoạt động nên cứng đơ, không thể mở rộng khẩu hình. Các huấn luyện viên đã phải dùng tay để chỉnh miệng của Hưng trong hơn 2 tháng để cậu có thể phát âm với các bài tập cơ bản. Như bài tập mang tên "Chào hỏi", Hưng phải nói những từ đơn...