Trẻ tự kỷ thường bị tổn thương não rải rác, nên bị rối loạn chức năng, từ đó dẫn đến rối loạn hành vi, nhiều em thậm chí có hành vi nguy hiểm, đánh người khác hoặc tự gây thương tích cho chính mình. Ở nhà, có em bị nhốt trong phòng kín không đồ đạc như tù nhân, để tránh em phá phách, đập vỡ mọi thứ, gây tai nạn…
Thầy cô giáo cùng các trò tự kỷ gói bánh chưng
Thế nhưng tại một nơi mà Tiến sĩ công nghệ sinh học Nguyễn Đức Thái thương yêu gọi là “Gia trang của trẻ tự kỷ” tại Tâm Việt Phú Xuyên, nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, đã tổ chức cho hơn 40 trẻ tự kỷ gói bánh chưng ăn Tết. Đây là lần đầu tiên, các em nhỏ tự kỷ được nuôi dưỡng và huấn luyện trong “gia trang” này, được trải nghiệm niềm hạnh phúc lạ lùng: gói bánh chưng ăn Tết.
Bé tự kỷ đã gói bánh chưng đúng quy trình
Bản thân các thầy cô giáo và huấn luyện viên cũng chưa thực sự tin tưởng lắm vào khả năng gói bánh chưng của mình, nên một “chuyên gia” gói bánh chưng đã được mời đến để huấn luyện cấp tốc kỹ năng gói bánh chưng cho thầy cô, cùng các em tự kỷ.
Khánh Hưng (bé tự kỷ từng đạt kỷ lục gia Việt Nam năm 2017 về khả năng “đội chai trên đầu, đứng trên 3 con lăn trong thời gian lâu nhất” đang gói bánh chưng.
Nam Sơn, em bé tự kỷ 5 tuổi cũng được trải nghiệm lần đầu trong đời gói bánh chưng
Chỉ sau 1 lần huấn luyện, rất nhanh, các em nhỏ đã vui thích ngồi vào vị trí của mình để gói bánh. Thật không ngờ, các em đã tập trung quan sát rất kỹ nên đã biết đặt lá dong, đổ gạo, đỗ, xếp thịt rất đúng trình tự, sau đó gói bánh và buộc lạt, xoắn mối gài lạt đầy đủ. Có những em giỏi, đã tự mình gói hoàn thiện chiếc bánh rất đúng quy trình như kỷ lục gia “Khánh Hưng”, em Việt, Đô Đô, em Tuấn Anh…
Còn những em khác thì xếp lá, hoặc chuyên đổ nhân bánh. Lần đầu tiên làm ra một chiếc bánh chưng trong đời mình, các em reo hò vui sướng, mặc dù bánh chưng chẳng được vuông mà lại dài, méo góc, thay đổi hình dạng rất vui mắt.
Những em nào chưa gói kín bánh thì thầy, cô giáo gói lại, còn những em làm vung vãi lẫn nhân với gạo, thì các thầy, cô gom nguyên liệu dùng nấu cháo cho bữa sáng hôm sau… Điều quan trọng là thông qua việc gói bánh, các em không chỉ sung sướng được tự làm điều thú vị, mà còn tập luyện các kỹ năng khéo léo cho bàn tay, sự tập trung và tư duy của não.
Cô giáo hướng dẫn em đặt lại nhân bánh, hướng dẫn từng chi tiết để sử dụng bàn tay khéo léo.
Các em cũng rất háo hức khi bánh gói xong cho vào nồi luộc. Một số em thức thâu đêm trông nồi bánh, thích đến nỗi không muốn đi ngủ. Sáng hôm sau, vào ngày 28 Tết Âm lịch, các em được chứng kiến và thực hành việc vớt bánh ra khỏi nồi. Mỗi việc, dù đơn giản nhưng cũng phải đúng kỹ thuật, để tránh bị bỏng và bánh không bị rơi, bị méo…
Các em thức trông nồi bánh suốt đêm...
...và sung sướng thu thành quả.
“Các con cùng thầy cô đã làm ra hơn 100 bánh chưng, thật là một kỷ niệm vui và đẹp. Nhiều phụ huynh không thể tin nổi con mình có thể gói bánh chưng, vì trước kia ở nhà, bé còn không cầm nổi thìa để xúc cơm đưa vào miệng. Các bé thực sự đã tiến bộ và rất giỏi, khiến thầy cô cũng ngạc nhiên!” - cô Lê Kim Dung, giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại “Gia trang trẻ tự kỷ” Tâm Việt nói.
Đặng Thanh