Khi một bạn trẻ KTTĐ mới vào trung tâm thì tháng đầu tiên là thách thức nhất
Bệnh hiểm chữa khó
Có người cha giàu đã bất lực, đau đớn thốt lên “Nếu có ai dạy bảo được con trai tôi thành người bình thường, tôi xin tặng một nửa số gia sản ngàn tỷ đồng”. Để dạy dỗ, huấn luyện những bạn trẻ khuyết tật thái độ thành người, biết LÀM NGƯỜI đúng nghĩa thì người thầy không chỉ phải đối diện với hiểm nguy tới cả tính mạng, mà còn phải là bậc thầy tâm lý.
Thực trạng ở nước ta vừa qua, có hiện tượng giáo viên mới chỉ đối diện với học trò hay nói tục mà đã không chịu đựng nổi, dẫn đến việc thiếu kiểm soát, dùng hình phạt “tát hội đồng” học trò mà truyền thông đã nêu. Vậy thì, khi đối diện với những ca bạn trẻ khuyết tật thái độ (KTTĐ), sức ép tâm lý còn khủng tới mức nào. Bởi họ chẳng thiết chính mạng sống của mình, thì cũng coi thường luôn mạng sống của người xung quanh, kể cả thầy cô giáo.
Bản chất của các bạn trẻ KTTĐ, là lười biếng, quen hưởng thụ, thích dọa nạt bố mẹ để buộc bố mẹ chiều theo ý muốn của mình. Họ biết đánh vào nỗi sợ của bố mẹ, sợ người ngoài biết con mình hư hỏng, sợ con mình tự tử, sợ con đi ăn cướp và bị đánh, bị bắt… nên thường xuyên đe dọa chính bố mẹ mình.
Khi bố mẹ đã bất lực, bó tay, muốn đưa con vào các trung tâm giáo dục đặc biệt, thì các bạn trẻ này thường dùng mọi chiêu trò để trốn thoát. Họ có thói quen tính toán, hành động bất chợt, sống 2 mặt. Khi lần đầu không trốn thoát được, họ chịu ở lại trung tâm, hứa hẹn với thầy cô sẽ tập trung luyện tập, nhưng thực tế là âm thầm rình cơ hội bỏ trốn.
“Chúng tôi từng nhận một số bạn trẻ KTTĐ vào Trung tâm điều trị. Ban đầu, phải có biện pháp cứng rắn mới khống chế được các bạn. Các cô giáo không thể làm được việc này. Một đội ngũ các thầy lực lưỡng, rắn rỏi được giao hỗ trợ rèn luyện. Một mặt uốn nắn tâm lý, mặt khác đưa vào khuôn khổ cuộc sống có kỷ luật và hoạt động thể chất mạnh mẽ”, TS. Phan Quốc Việt, người sáng lập Trung tâm Tâm Việt nói.
Tuy vậy, không tránh khỏi những trường hợp rủi ro. Như thầy Nghị của Trung tâm Tâm Việt, nửa đêm đang ngủ bị học viên dùng tấm ván bất thình lình choảng vào đầu, chảy rất nhiều máu và phải khâu 4 mũi. Có học viên dọa giết thầy, tấn công và khống chế cô giáo để dọa ép các thầy. Học viên thì giả vờ tiến bộ, được thầy cho ra ngoài trung tâm đi công tác cùng thầy, lập tức bỏ trốn. Có học viên chỉ rình lúc thầy cô sơ ý là tìm cơ hội tự tử. Giả dụ, việc em tự tử thành công, em lại là con nhà gia thế, thì Trung tâm Tâm Việt sẽ phải đứng trước đòn tấn công của cả gia đình học viên và truyền thông sẽ “ném đá”, xã hội sẽ chửi bới, quy kết kinh khủng như thế nào…
Những người thầy kiên tâm
Huấn luyện trẻ KTTĐ không chỉ đẩy bản thân người thầy vào nguy hiểm, rủi ro khó lường, mà còn tốn công sức và thời gian gấp nhiều lần những trường hợp giáo dục đặc biệt khác. Vậy thì tại sao các thầy cô giáo trẻ tại Tâm Việt lại đồng tâm hợp lực để chấp nhận gian nan, hiểm nguy, cùng TS. Phan Quốc Việt lựa chọn việc huấn luyện trẻ KTTĐ?
TS. Phan Quốc Việt chính là tấm gương, là nhân cách mà các thầy cô trung tâm học theo và rèn luyện chính mình. Ở tuổi 66, với danh tiếng và uy tín, TS. Phan Quốc Việt có thể ung dung đi dạy kỹ năng mềm, thu bộn tiền, và hưởng thụ cuộc sống sung sướng bên gia đình. Nhưng ông lại chấp nhận sống xa vợ con, ở lại Trung tâm 24h/24h để tập trung huấn luyện trẻ đặc biệt. Ông có cách nhìn khác với xã hội nói chung về trẻ đặc biệt. Nếu như cái nhìn chung coi trẻ KTTĐ là nguy hiểm, bỏ đi, ăn bám xã hội, phá phách, nếu như bên y tế coi các em là bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc thì TS Việt lại coi các em là người có tài, cần được huấn luyện đặc biệt để phát triển tài năng. Bằng kiến thức, trực giác, và kinh nghiệm, TS Việt quan sát, điều chỉnh cách huấn luyện để tài năng các em được hiển lộ, đánh thức chất Người trong các em, rèn ý chí làm Người.
Khi một bạn trẻ KTTĐ mới vào trung tâm thì tháng đầu tiên là thách thức nhất. Và cao trào tâm lý đẩy tình huống đến nguy hiểm sống – chết nhất định phải xảy ra. Đó chính là lúc người thầy thể hiện bản lĩnh của mình, đủ yêu thương để dũng mãnh ra tay ác liệt nhất, kéo bạn trẻ về lại thế giới người, thức tỉnh và chấp nhận rèn kỹ năng, nhân cách. Đó là một cuộc chiến nguy hiểm với quỷ dữ để giành lại phần Người mong manh trong bạn trẻ KTTĐ.
Có những ngày đêm tại trung tâm, TS. Việt và các thầy phải canh gác học viên 24h/24h, bố trí chia làm 2 vai: người thì nghiêm khắc đe nẹt, người thì tỉ tê tâm sự với các bạn KTTĐ. Có lần thầy thức canh trò đến đêm thì trò trốn mất, tất cả các thầy cô dàn quân ra đường với xe máy, xe đạp xới tung khu vực đang ở để tìm trò bỏ trốn… Không lời nào có thể tả hết sự vất vả, hiểm nguy, sự hồi hộp, và những “pha gay cấn” như trong phim hình sự tại trung tâm giáo dục đặc biệt này.
Toàn là một bạn trẻ KTTĐ như vậy, bệnh viện kết luận em bị trầm cảm và cho thuốc uống điều trị lâu dài. Đến với Trung tâm Tâm Việt ngày thứ 2, em phản ứng dữ dội đòi được về nhà. Khi không được chấp nhận, em cảm thấy không còn đường sống, liều mạng sống chết với thầy giáo. Hay trường hợp của Hoàng Tiến, em quyết chết, nhịn ăn cả tuần. Em D đòi lên Keangnam tự tử. Chính trong thời khắc sinh - tử đó, người thầy kiên tâm, cùng trò vượt qua thời điểm nguy khốn nhất, không quản ngại nguy hiểm đến cả tính mạng và thanh danh của mình, thì mới có thể cứu được em, đưa em vượt qua lằn ranh của thế giới quỷ, trở về với thế giới người. Hoàng Tiến hiện nay đã tiến bộ, không những thế, còn trở thành huấn luyện viên trong trung tâm, giúp đỡ hiệu quả cho những bạn KTTĐ mới vào. TS Việt tin tưởng rằng, sự đồng cảnh, đồng cảm của những bạn KTTĐ đã tiến bộ sẽ giúp những bạn mới vào được nhanh nhất, và tốt nhất.
Nếu mình không kiên tâm làm thì không ai có thể làm được để cứu vớt số phận các bạn trẻ KTTĐ. Thực tế phụ huynh của bạn KTTĐ cũng tìm đủ mọi nơi để chữa cho con, thậm chí cho con uống thuốc để đỡ phá phách, nhưng cuối cùng họ vẫn tìm đến thầy Việt để mong thầy cứu con.
(Cô PHẠM THU TRANG, giáo viên Trung tâm Tâm Việt)
|
Tác giả bài viết KIỀU BÍCH HẬU/nguồn: baovanhoa.vn