Nhiều vai trong một
Lần đầu tiên tôi gặp Ngô Đình Nghị trong một quán cà phê. Một chàng trai trẻ trông khá hiền, được Tiến sĩ Phan Quốc Việt giao việc lái xe đưa tôi tới Trung tâm Tâm Việt. Tôi tưởng rằng chàng trai trẻ này chỉ là một lái xe cho Tiến sĩ Việt. Sáng sớm hôm sau, Nghị đã đến đón tôi như hẹn, với một chiếc xe 7 chỗ in quảng cáo của tập đoàn cà phê Trung Nguyên ngoài vỏ xe.
Được biết ông chủ Trung Nguyên đã tặng chiếc xe này cho Trung tâm Tâm Việt vì cảm phục tài và cái tình của thầy Việt. Cỗ xe không hề nhỏ nhưng Nghị biết cách lượn rất khéo trên đường để luôn thoát khỏi đám đông. Tôi càng tin rằng anh là một lái xe chuyên nghiệp.
|
Thầy giáo trẻ Ngô Đình Nghị cùng các học trò của mình. |
Trên đường tới Tâm Việt tại Phú Xuyên (Hà Nội), khi mặt trời vừa hé rạng sau lớp sương mù, Nghị chủ động bắt chuyện với tôi bằng cách kể chuyện rất tự nhiên, là thầy Việt mỗi lần đi qua con đường này thường rất thích thú khi nhìn thấy cảnh mặt trời mọc. Nếu cứ ở trong trung tâm thủ đô Hà Nội, sẽ chẳng có ai nhìn và quan tâm tới cảnh tượng phi thường ấy. Tôi vừa ngắm mặt trời lên, vừa hỏi chuyện Nghị, và được biết anh từng theo lớp học kỹ năng mềm của thầy Việt, sau này là học con đường đời, học làm Thầy.
Sau này khi tiếp xúc với Nghị nhiều hơn, trực tiếp chứng kiến việc thầy giáo trẻ huấn luyện học trò, tôi dần hiểu ra, sau vẻ ngoài tưởng như hiền lành ấy của Ngô Đình Nghị là một huấn luyện viên mạnh mẽ, một người thầy rắn rỏi, kiên gan, nhiều suy tư lạ, một người cha yêu thương và bao dung. Tôi từng tự hỏi, tại sao một chàng trai trẻ, sinh năm 1995, lại có thể giàu trải nghiệm, đức kiên nhẫn, và cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai như thế…
Chàng trai dư nhiệt
Học xong ngành kỹ thuật ôtô, Nghị bỗng thấy chơi vơi. Dù anh đã đi làm tại một garage để thử xem tay nghề cũng như tình cảm của mình với nghề đến đâu, và cuối cùng cảm giác thiếu thốn khó cắt nghĩa cứ dằn vặt anh. Liệu đây có thực là nghề mình muốn, đây có là cuộc sống mình mong?
|
Thầy Nghị luyện tập cùng học trò |
Giữa lúc chơi vơi như vậy, thì anh được giới thiệu đến tham gia khóa học “Hóa giải lời nguyền định mệnh” do TS. Phan Quốc Việt đứng lớp. Mở cờ trong bụng, Nghị đến với lớp học, và sau một ngày học miệt mài, sung sướng và say mê, anh đã nhận ra mình cần phải làm gì. Lập tức anh rời công việc đang làm, xin được vào Trung tâm Tâm Việt để học và trở thành thầy giáo trong ngành giáo dục đặc biệt cho trẻ hư và trẻ tự kỷ. Chính lúc được học và làm việc tại nơi này, chàng trai trẻ Ngô Đình Nghị phát hiện ra rằng, sở dĩ trước đây anh không hài lòng với cuộc sống của chính mình, là do anh sở hữu nguồn năng lượng quá lớn, chỉ có thể vận dụng được hết khi làm cùng lúc nhiều công việc mà anh đam mê, như khi ở Trung tâm Tâm Việt này.
Có tận mắt chứng kiến cảnh Ngô Đình Nghị vừa lái xe đi công tác khắp miền Bắc với TS. Phan Quốc Việt, trong lúc vừa huấn luyện các em tự kỷ với hành vi bất thường, và khi đêm đến lại chăm sóc các em trong ăn uống, vệ sinh, sinh hoạt văn hóa, mới thấy năng lượng trong người thầy giáo trẻ này thật dồi dào. Tuy nhiên, thầy Nghị cho rằng, huấn luyện trẻ tự kỷ còn dễ hơn so với huấn luyện các bạn trẻ hư, chuyên phá phách, nghiện games và sống bất cần mà TS. Việt mô tả họ bằng từ chuyên môn “khuyết tật thái độ” (KTTĐ).
Bởi, những em tự kỷ không có ý thức, không chủ động thực hiện việc muốn làm, thì phải tạo thói quen in vào tiềm thức các em tác động từ bên ngoài vào, lặp đi lặp lại. Các em có thể làm, rồi lại quên, nhưng điều quan trọng là khi thầy yêu cầu các em tập một động tác nào đó, các em sẽ làm theo không thắc mắc, không suy tính.
Còn với trẻ KTTĐ, thì đã có ý thức, lại quen thói ngang bướng, càn quấy, ưa bạo lực, mê muội bởi thế giới ảo do nghiện games tạo nên, thì việc huấn luyện các em một kỹ năng mới nào đó khó vô cùng. Không những khó, lại còn nguy hiểm.
Một người thầy đáng trọng
Thầy Ngô Đình Nghị từng bị học viên hành hung trong đêm, giữa lúc thầy đang ngủ, một tấm ván phang thẳng vào đầu, khiến thầy bị rách da, mất máu, phải khâu 4 mũi. Nếu không từng học võ và có thể lực tốt, cùng linh cảm đặc biệt thì có lẽ thầy Nghị đã bị bất tỉnh và không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Thời điểm năm 2017, thầy Nghị nhận huấn luyện học viên V.A, một cậu quý tử con nhà giàu, nghiện games, trầm cảm, thường xuyên dọa bố mẹ và đòi tự tử. V.A bằng tuổi thầy Nghị, cao to và rất khỏe. Khi V.A ở nhà, thường xuyên phải có vài ba người nhà canh giữ để em không nhảy lầu tự tử. Một lần, V.A bị viêm phổi, không chịu uống thuốc, gia đình phải đưa em đến bệnh viện để tiêm thuốc. Nhưng khi bác sĩ chuẩn bị tiêm thì V.A vung nắm đấm đấm thẳng vào mặt bác sĩ.
Bất lực trước hành vi hung bạo của con, bố mẹ V.A đành đưa em tới bệnh viện thần kinh, tiêm thuốc để em ngủ, rồi mới tiêm được thuốc trị bệnh viêm phổi cho em. Không biết làm thế nào với cậu quý tử ngạo ngược, họ đành cầu cứu TS. Việt giúp đỡ, đưa con đến Tâm Việt và thầy Nghị được giao huấn luyện, dạy dỗ V.A.
Đến trung tâm, V.A được dừng dùng thuốc thần kinh, dần dần em tỉnh táo lại, thì em lại tiếp tục thói quen cũ, dọa nạt, đòi hỏi, bạo lực. Em từng bị chìm đắm trong thế giới ảo của games, luôn nghĩ mình là một đấng cao siêu, xưng hô kỳ dị với người đối diện. Khi không được đáp ứng những yêu cầu vô lý thì em đòi về nhà, đòi tự tử. Thầy Nghị phải theo sát V.A từng phút, cả ngày lẫn đêm. Một mặt gần gũi dỗ dành, nhỏ to tâm sự, mặt khác nghiêm khắc uốn em vào kỷ luật, nếp sinh hoạt nghiêm ngặt tại trung tâm. Em được luyện tập thể lực bằng đứng thăng bằng trên con lăn, tung bóng, đội chai nước cân bằng trên đầu.
Thỉnh thoảng, thầy Nghị cũng đưa em ra ngoài đi uống cà phê, trò chuyện thân tình, để em cởi mở hơn. Vậy mà trong một đêm nửa mê nửa tỉnh, V.A đã rình tới lúc thầy giáo ngủ say mới dùng tấm ván thăng bằng phang thật lực lên đầu thầy. Thầy Nghị phải vào bệnh viện cấp cứu lúc nửa đêm để cầm máu.
“Giai đoạn các em nửa tỉnh nửa mê là khó xử nhất. Vượt được qua giai đoạn đó, đến lúc các em tỉnh táo hẳn, ý thức đã trở về, thì khó khăn tiếp theo là sự đấu tranh tư tưởng. Em phải tiếp tục được ở lại trung tâm để huấn luyện, rèn thói quen mới tích cực, xóa dần thói quen cũ. Nếu trong giai đoạn này, mà gia đình lại không cương quyết với con, đòi đón con trở về nhà, thì các em lại trượt dài theo lối cũ mà thôi. Bố mẹ các em cần hiểu rằng, muốn con mình tiến bộ, cần thay đổi môi trường sống và chấp nhận giáo dục đặc biệt đủ thời gian”, thầy Nghị nói.
Khi tôi hỏi, rằng Nghị hình dung con đường đi trong 5 năm tới của mình ra sao, thầy giáo trẻ trả lời rằng anh muốn làm một diễn giả, theo con đường người thầy lớn của mình là TS. Phan Quốc Việt. Anh muốn qua những câu chuyện đời, những trải nghiệm xương máu của mình trong thời gian làm thầy giáo, huấn luyện viên cho trẻ tự kỷ và trẻ KTTĐ ở Tâm Việt, để truyền tới nhiều người bài học cuộc sống, bài học làm người sâu sắc nhất. Chính những học viên khó dạy bảo, khó huấn luyện nhất lại giúp thầy nhiều nhất trong việc tự nâng cao năng lực của chính mình. Với Ngô Đình Nghị, không có môi trường nào rèn giũa ý chí người thầy tốt hơn ở Tâm Việt, nơi anh đã gắn bó hai năm nay.
Việt Châu