Nhìn thầy giáo trẻ Hoàng Tiến bây giờ vui vẻ, hoạt bát, quyết đoán, nụ cười luôn nở trên môi, thắp bừng sáng gương mặt, chăm chỉ huấn luyện các em nhỏ tự kỷ trong Trung tâm Tâm Việt, ít ai ngờ rằng chỉ chưa đầy 5 tháng trước, Tiến còn là một cậu con trai mắc chứng trầm cảm, luôn cúi gằm mặt, tự nhốt mình trong phòng, không tiếp xúc cả với người thân, luôn hoảng loạn trước những mối nguy ảo, ngay cả mẹ đẻ ra mình cũng không tin.
Thời đen tối trong cuộc đời Hoàng Tiến được đánh dấu bằng một đêm đỉnh điểm của tuyệt vọng, khi bố cậu nặng lời, đuổi cậu ra khỏi phòng kín mà cậu luôn tự giam hãm mình, Hoàng Tiến đã đi bộ suốt đêm qua khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Lang thang mãi như vậy tới khi kiệt sức thì cậu lại tìm đường trở về nhà, đứng trước cánh cửa quen thuộc của ngôi nhà mình sinh ra và lớn lên, Tiến lại thấy như chẳng có nơi nào trên thế giới này dung chứa mình. Cậu thực sự chỉ muốn kết liễu cuộc sống không lối thoát này của mình. Khi mẹ mở cửa đón Tiến vào nhà, trước những giọt nước mắt xót xa của mẹ, Tiến cũng không sao đồng cảm được. Cậu quyết định nhịn ăn uống, tuyệt thực.
Thầy giáo trẻ Hoàng Văn Tiến huấn luyện em nhỏ đi xe đạp 1 bánh.
Nếu truy tìm nguyên nhân gốc cho bệnh trầm cảm của mình, chính Tiến cũng không dám chắc nó đến từ đâu, có lẽ do nhiều nguyên nhân gộp lại. Bắt đầu từ những năm học Trung học phổ thông, Tiến đã rất dễ chán nản từ những bất ý nho nhỏ trong gia đình hoặc lớp học. Kết quả học tập không được như ý khiến cậu không muốn đi học. Cậu cứ đắm chìm trong vấn đề không biết mình sẽ học gì tiếp theo, sẽ làm gì, có sống nổi không, ý nghĩa nào có được trong việc học này? Nhìn những bạn khác học và sống vô tư mà Tiến lại thấy sợ, tại sao mình luôn thấy khổ sở, lo lắng, mất tự tin. Người thân trong gia đình thấy Tiến ít đi học, điểm sút kém, hỏi thì không nói gì cả, càng thêm lo lắng và cũng chỉ biết trách mắng, chứ không thể hiểu cậu muốn gì để giúp đỡ cậu cảm thấy khá hơn.
Khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong khi các bạn cùng lớp người thì học nghề, người đi làm, người thi đại học, còn Tiến vẫn mãi phân vân không quyết định nổi mình sẽ thi vào trường đại học nào. Sự rối trí ấy càng khiến cậu suy sụp. Sau cùng, để chống đỡ với sức ép từ người thân và cũng để tự trấn an, Tiến đăng ký học lập trình tại Hanoi Aptech. Vào học rồi, Tiến vẫn không sao thoát khỏi mớ bòng bong của sự rối trí, không tìm được động lực, mục tiêu cho việc học. Cậu rơi vào vòng lẩn quẩn, chán học, nghỉ học, điểm kém, nợ nhiều môn... và cuối cùng, cái kết tất yếu đã đến, Tiến bỏ học ở Aptech sau 1 năm cố gắng học mà chẳng thu được gì.
Nhưng khi không đi học nữa, chỉ ở nhà, cũng không đi làm, tâm trạng của Tiến càng tồi tệ hơn. Bố mẹ cậu phải đưa cậu đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương khám và điều trị. Bác sĩ kết luận Hoàng Tiến bị trầm cảm nhẹ, cho dùng thuốc. Hết liệu trình điều trị, Tiến cảm thấy khá hơn. Khi đó, Tiến lại muốn đi học. Tại Bắc Ninh quê Tiến, có nhiều người Trung Quốc làm việc và sinh sống, Tiến nghĩ mình nên học tiếng Trung để có thể giao tiếp và làm việc với người Trung Quốc. Khi đăng ký một lớp học tiếng Trung Quốc, Tiến gặp một bạn gái và dính “tiếng sét ái tình”. Chẳng may, cô bạn gái này cũng được một anh bạn học khác trong lớp để ý và cô nghiêng về anh bạn kia mà chẳng mảy may chú ý đến Tiến. Thất vọng và không vượt qua được cảm xúc, Tiến lại rơi vào trầm cảm, bỏ học về nhà, đóng cửa một mình trong phòng.
Tiến lại rơi vào tình trạng cũ, không giao tiếp với ai, kể cả người thân, chán ăn uống, đêm mất ngủ triền miên và luôn đau đầu.
“Thật đáng sợ khi em cứ thức đêm, muốn ngủ mà không ngủ nổi, đầu nhức như búa bổ. Những ý nghĩ nhảy điên loạn trong đầu, lúc thì về quá khứ, khi thì ở hiện tại, lúc lại là tương lai. Em không thể điều khiển được những suy nghĩ trong đầu, nó khiến em rối trí và ngày càng hoảng loạn. Dòng suy nghĩ mỗi lúc một ngắn, nhiều lên, dính vào nhau, giằng xé điên đầu...”, Hoàng Tiến nhớ lại.
Gia đình đưa Tiến đi khám ở nhiều bác sĩ, uống nhiều thuốc nhưng không có tiến triển tốt. Họ thay đổi phương pháp, đưa con đến các chuyên gia tâm lý để dùng liệu pháp tâm lý. Các chuyên gia tìm cách trò chuyện với Tiến, khơi gợi để cậu mở lòng, xem có thể tìm ra nguyên nhân từ đâu. Nhưng Tiến bất hợp tác. Cậu chỉ im lặng. Lúc ấy, cậu không thể tin tưởng bất kỳ ai, kể cả bố mẹ. Tiến chỉ cúi gằm mặt, mong sao cho thời gian đăng ký gặp chuyên gia sớm hết để cậu được về nhà, chui vào cái xó an toàn duy nhất của mình.
Một hôm, mẹ Tiến tìm cách đưa cậu ra khỏi nhà với lý do đi Hà Nội thăm bà ngoại đang phải nằm viện phẫu thuật. Nào ngờ, mẹ đưa Tiến đến Trung tâm Tâm Việt. Sau này, Tiến được biết mẹ Tiến đã tìm hiểu thông tin về Tâm Việt - một trung tâm phát triển kỹ năng con người nên đưa Tiến đến với hy vọng con trai mình sẽ được điều trị bằng cách khác, may ra có thể hiệu quả.
Lúc đầu, Tiến tưởng đây là một trung tâm dạy xiếc, vì có nhiều em nhỏ đang được huấn luyện đi xe đạp 1 bánh, đội chai nước cân bằng trên đầu, tung nhiều bóng, rất điêu luyện. Tiến rất khâm phục khi thấy các em nhỏ có thể làm 3 việc khó cùng lúc như vậy. Nhưng lúc nghỉ, Tiến chú ý hơn thì mới biết các em nhỏ đó đều mắc chứng tự kỷ. Có em tự kỷ tăng động, chuyên đập phá, tự gây thương tích cho mình và thậm chí đánh người khác. Tiến thấy vậy thì hoang mang quá. Cậu không muốn ở lại trung tâm này.
Chính lúc ấy, TS. Phan Quốc Việt - người sáng lập trung tâm đã hỏi cậu: “Động vật khác thực vật ở điểm gì?”. Tiến trả lời rằng ở sự vận động. TS. Việt nói, Tiến cứ ở lại đây học làm người trước đã. Sau đó hãy ra ngoài đời muốn học cái gì cũng sẽ học được dễ dàng. Tiến dù chưa tin tưởng lắm vào những lời của TS. Việt, nhưng cậu đồng ý ở lại.
Tiến được giao cho 1 chiếc xe đạp 1 bánh. Một huấn luyện viên giảng giải ngắn gọn cho Tiến kỹ năng đi thăng bằng trên xe đạp 1 bánh. Sau đó, anh này bận huấn luyện các em tự kỷ khác nên mặc Tiến tự xoay sở một mình. Ban đầu, Tiến cố gắng thử cân bằng trên xe đạp, nhưng không được, chiếc xe bất kham không theo ý muốn của Tiến, nghiêng đổ làm cậu phải nhảy khỏi xe sau 1 tích tắc. Tiến nản quá, muốn quẳng cái xe đi, trong đầu nghĩ, việc quái gì mình phải đi cái xe đạp 1 bánh này, mình có định làm xiếc đâu! Sau này, Tiến mới hiểu, việc đi xe đạp 1 bánh đầy khó khăn khiến cậu phải tập trung tinh thần cao độ, cơ thể cũng vận động tích cực khiến cho sự rối loạn trong tâm trí và các hoạt động chức năng của cơ thể được tự sắp xếp, điều chỉnh cân bằng trở lại.
Lúc định quẳng cái xe đi thì Tiến chợt nhìn lại, thấy các em nhỏ tự kỷ đang đi xe đạp 1 bánh cân bằng rất giỏi, nét mặt tươi cười hạnh phúc và điều đó lay động cậu. So với các em, cậu may mắn hơn nhiều, vậy thì tại sao cậu lại không thể làm được điều các em đã làm? Tiến tập trung hơn, mặc cho thất bại hết lần này đến lần khác, cậu vẫn kiên tâm tập cân bằng trên xe đạp 1 bánh. Cơ thể dần khỏe hơn. Sau nửa tháng, Tiến hòa nhập tốt hơn với mọi người ở trung tâm. Cậu còn giúp cho 1 em nhỏ mới vào tập đi xe đạp.
Dù vậy, sau 1 tháng huấn luyện tại Trung tâm, có tiến bộ, được thầy Việt cho về thăm nhà 2 ngày, Tiến có ý định sẽ bỏ không đến trung tâm nữa. Cậu vẫn nhớ nhà và chưa tin lắm vào lời thầy Việt. Nhưng đêm đến, khi lên giường ngủ ở nhà, cậu chợt thấy khó ngủ và hiểu ra rằng, suốt tháng qua sống ở trung tâm, cậu thực sự đã thoát ra khỏi địa ngục, nhận ra một điều gì đó, dù chưa rõ rệt, nhưng đã thành động lực thôi thúc cậu sống và rèn luyện giỏi, để có thể giúp cho ai đó và tìm thấy mục đích sống của chính mình.
Tiến nhớ em Su, em Tấn - những em nhỏ ở Trung tâm mà cậu được thầy Việt tin tưởng giao cho cậu chăm sóc, dạy dỗ, huấn luyện. Tiến thương vẻ hiền lành, nhẫn nại của em Su khi luôn lấy xe đạp ra đường chạy luyện tập sớm nhất, cậu cũng nhớ vẻ tinh quái của em Tấn khi nở nụ cười tươi và dụi đầu vào người Tiến và gọi “bố Tiến” ơi. Có lẽ, tình cảm chân thành của những em nhỏ tự kỷ tại Trung tâm đã đánh thức bản năng làm bố trong cậu trai trẻ, muốn chăm sóc, che chở cho “con”, điều đó khiến cậu thức tỉnh và hiểu ra rằng mình còn có ích cho ai đó, có ai đó cần mình và vì thế mà mình có ý nghĩa. Tình cảm của các em nhỏ trong cộng đồng đã kéo Tiến trở lại.
Từ chỗ là một bệnh nhân trầm cảm, Hoàng Tiến đã tiến bộ vượt trội, trở thành thầy giáo và được nhận lương sau 3 tháng đến Trung tâm.
Làm thế nào mà chỉ sau 3 tháng, em đã tiếp nhận được bảo bối nào để dạy dỗ và huấn luyện được trẻ tự kỷ - một việc vô cùng khó mà nhiều trường học bó tay?
Việc không quá khó như mọi người tưởng tượng đâu ạ - Hoàng Tiến mỉm cười - Chỉ cần từ bên trong mình có tâm, có ý chí thì mọi việc bên ngoài dù khó thế nào cũng sẽ làm được.
Kiều Bích Hậu