Mãi đến khi Su được 2 tuổi rưỡi, gia đình mới đưa em tới học tại Trường Mầm non đặc biệt MYOKO thuộc khu Licudin 13. Tại đây, Su được dạy về ngôn ngữ và cách kiểm soát hành vi của mình. Sau gần 3 năm, Su về học tại trường làng cùng em gái. Vào học trường làng chưa đầy 1 năm, có người giới thiệu với bố mẹ Su về Trung tâm Tâm Việt. Sau cuộc gặp gỡ với TS. Phan Quốc Việt - Giám đốc Tâm Việt, cả gia đình đã quyết định chuyển trường cho em về với Ngôi nhà Tâm Việt từ ngày 09.04.2018. Tại đây, Su được các thầy cô hướng dẫn tập các bài cơ bản giúp rèn sự tự tin, tập trung, thăng bằng. Bắt đầu bằng bài tập đứng con lăn, đội chai di chuyển trong phòng và đến tập xe đạp 1 bánh. Do tay của Su yếu nên các thầy cô cho em tập nhiều động tác bổ trợ rèn đôi tay khỏe hơn. Ngoài thời gian tập luyện, Su còn được các cô các anh chị dạy chữ, dạy nhận biết các loài động vật, hoa quả và tập nói, hát các bài thiếu nhi và cả tiếng Anh nữa.
Nhận thấy tài năng tiềm ẩn trong cô gái bé nhỏ, thầy Việt luôn theo dõi, quan sát và điều chỉnh để Su ngày càng tiến bộ hơn. Vào Tâm Việt khoảng 2 tháng, Su đã tự tin lên xe đạp 1 bánh đi đường dài. Trong quá trình tập em cũng biết dắt các bạn khác cùng tập xe. Nếu bạn bị trượt vòng xe phải dừng lại hay có bạn muốn trốn tập Su cũng biết tìm cách kéo bạn ra tập. Bên cạnh đó, các thầy cô tập cho Su tung những trái bóng đầu tiên. Với đôi tay bé nhỏ, tung bóng tưởng chừng là 1 việc đầy thử thách nhưng cho đến bây giờ, em cũng đã tung được 3 bóng. Đầu tháng 9 năm 2018, Su cùng bạn đồng hành là anh Khánh Hưng đã có mặt tại cuộc thi “Biệt tài Tí hon mùa 2”. Em còn được thầy Việt liên tục cho đi biểu diễn tại các hội trường lớn, được lên truyền hình, được chú Quốc Cơ - Kỉ lục Thế giới bế chụp ảnh, .... Và điều bình dị nhất, Su được các thầy cô luôn quan tâm chăm sóc, yêu thương, được các anh chị, các bạn hỗ trợ từ những việc nhỏ thôi nhưng vô cùng ý nghĩa đối với em.
Trước đây, khi con đường huấn luyện trẻ tự kỉ của Tâm Việt còn đang trong giai đoạn khởi đầu, gặp nhiều khó khăn trong định hướng và lý thuyết khoa học, thầy Việt chỉ nói trẻ mắc tự kỉ đa phần có thể do chúng bị tắc nghẽn ở một nơi nào đó trong cơ thể. Chỉ cần phần đó được khai thông thì những phần khác sẽ được điều chỉnh dần trở lại. Su đến Tâm Việt với kết quả chấn đoán là trẻ chậm phát triển, chậm nói. Tuy nhiên, sau một thời gian rèn luyện vận động cùng các bài tập chuyên biệt của Tâm Việt, Su từ việc chậm nói, chỉ hát được các bài hát nhưng không rõ ràng, tròn vành rõ chữ thì hiện tại em đã nói được một số từ rất to và rõ ràng. Ví dụ, khi các thầy cô để 1 ngón tay lên miệng, em cũng để theo và tự nói từ: “Bí mật!”. Em nhận dạng và biết tên nhiều thầy cô trong trung tâm. Giọng của Su khi hát cũng to và rõ ràng hơn nhiều. Sở thích đặc biệt của em là với người nào em yêu quý, em rất thích ngửi tóc người đó, hoặc nâng mặt lên thơm rất tình cảm. Mỗi khi được hát hoặc vui điều gì đó, em thường cười rất tươi. Có thể Su chưa đủ lớn khôn để hiểu, nhưng em cảm nhận được đây là khoảng trời của em, nơi mà em được tự do thể hiện là chính mình mà không e ngại bất cứ điều gì.
Ngày đưa Su đến với Tâm Việt, chị Tình chỉ hi vọng con sẽ may mắn gặp được ông Việt, gặp được những thầy cô giáo tốt, coi Su như con để có thể hóa thân thành những người cha, người mẹ nuôi dạy những đứa con thơ dại thành người. Và bây giờ, Su là người mà thầy Việt và các thầy cô vô cùng yêu thương, trân quí, tìm mọi cách phát huy tài năng đang tiềm ẩn trong cô gái bé nhỏ vừa tròn 7 tuổi.
Khi được hỏi về mong muốn tương lai sau này con làm nghề gì, chị Tình chia sẻ chị chưa bao giờ dám nghĩ tới điều đó. Chị không dám ước mơ nhiều, chỉ mong con có thể nói được, tự chăm sóc bản thân và có cơ hội được hòa nhập cộng đồng. Được như vậy là chị hạnh phúc lắm rồi.
Mơ ước về điều hạnh phúc nhỏ của chị Tình cũng như của gần 50 phụ huynh đang được các thầy cô tại trung tâm Tâm Việt ngày ngày cần mẫn vun đắp. Với tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự kiên tâm với từng học sinh, ước mơ đó chắc chắn thành hiện thực./.
Tác giả bài viết: Phạm Trang. Nguồn: tác Phẩm Mới, Nxb Hội Nhà văn 2019.